TƯỢNG GỖ TÂY NGUYÊN
Cuốn sách ảnh “Tượng gỗ Tây Nguyên” của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong, do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2019, dày 256 trang với trên 300 bức ảnh đen trắng, trình bày song ngữ Việt - Anh giới thiệu những hình ảnh chân thực về tượng nhà mồ, chủ yếu của 2 dân tộc Gia Rai, Ba Na của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Tây Nguyên - một vùng đất giàu truyền thống văn hóa dân gian, đó là trường ca, sử thi, văn hóa cồng chiềng, lễ hội truyền thống, kiến trúc nhà mồ, điêu khắc tượng mồ. Tượng gỗ Tây Nguyên là những sản phẩm điêu khắc độc đáo có một không hai của nước ta. Ngày nay, đi khắp các buôn làng ở Tây Nguyên chúng ta không còn nhiều cơ hội để chiêm ngưỡng những tác phẩm tượng gỗ có giá trị nghệ thuật như những năm trước đây. Bởi nhà mồ, tượng gỗ đã được hiện đại hóa bằng xi măng, mái tôn. Lớp nghệ nhân dân gian lớn tuổi đã ra đi. Tượng gỗ dần bị suy thoái theo thời gian và gần biến mất.
Theo tác giả, cuốn sách là kết quả quá trình sưu tầm lâu dài cách đây hơn 3 thập kỷ. Phần lớn những bức ảnh trong cuốn sách đã thực hiện từ những năm 1986, 1988 và nhiều năm sau đó. Từ gần 1.000 bức ảnh đã chụp về tượng gỗ, nhà mồ, lễ hội bỏ mả, đời sống sinh hoạt liên quan đến hiện tượng văn hóa này, nghệ sĩ Trần Phong chỉ chọn lọc trên 300 bức ảnh để xuất bản nhằm lưu giữ và phổ biến giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian này.
Thư viện Bảo tàng Đắk Lắk xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
GD&TT