THƯ VIỆN CHUYÊN NGÀNH BẢO TÀNG ĐẮK LẮK GIỚI THIỆU NHỮNG CUỐN SÁCH HAY NHÂN KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1947 - 27/7/2023)
Nhằm góp phần tuyên truyền Ngày thương binh liệt sĩ 27/7, Thư viện Bảo tàng Đắk Lắk xin trân trọng giới thiệu một số đầu sách liên quan.
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sĩ
Số ĐKCB: 2460
Số phân loại: 324.209
Sách “Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sĩ” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành năm 2007, dày 230 trang, khổ 15x21cm. Ngoài phần phụ lục gồm một số hình ảnh, tài liệu gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sách còn tập hợp những lời nói, bài viết, thư từ, trích dẫn và hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh liệt sĩ, đó là tất cả những tình cảm mà Bác dành cho những con người xả thân vì nước, không tiếc máu xương bảo vệ Tổ quốc. Những bức thư Bác gửi các chiến sĩ Nam bộ và Nam phần trung Bộ, thư gửi các anh em thương binh Liên khu III, hay thư khen ngợi các chiến sĩ bị thương và sự tận tâm của các y sĩ, cứu thương, thư gửi các chiến sĩ bị thương trong trận Đông Khê … Tất cả đều nói lên tấm lòng của Bác với các liệt sĩ, thương bệnh binh và các gia đình có công với cách mạng.
Cuốn sách như món quà vô giá không chỉ dành cho những thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng mà còn chất chứa bao tình cảm dành cho tất cả những ai đã đọc được quyển sách này, mỗi lời Bác nói, mỗi bức thư Bác gửi đều trìu mến, như làn gió mát xoa dịu nỗi đau, mất mát do chiến tranh để lại.
2. Mãi mãi tuổi hai mươi
Số ĐKCB: 2324
Số phân loại: 895.9223
Cuốn sách “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc do nhà thơ Đặng Vương Hưng sưu tầm và giới thiệu. Sách được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2006, gồm 295 trang, là cuốn nhật ký bắt đầu ghi từ ngày 02/10/1971 và kết thúc ngày 24/5/1972 ở trang 261.
Với khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi chưa đầy một năm nhưng đã cho chúng ta thấy thế giới tâm tư phong phú của người lính, thấy được tâm hồn, ước mơ, khát vọng về cuộc đời. Qua đó, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn, khát khao lý tưởng của cả một thế hệ đã sống và chiến đấu hết mình cho Tổ quốc thân yêu.
Đọc cuốn sách “Mãi mãi tuổi hai mươi” bạn đọc biết thêm một con người, một cuộc đời, một thế hệ đã từng sống chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng hoài bão cách mạng. Tuổi trẻ chúng ta hôm nay được sống trong một đất nước độc lập tự do, nền độc lập, tự do được đánh đổi không ít máu xương của các thế hệ cha anh đi trước.
3. Một thời và mãi mãi
Số ĐKCB: 900
Sách do Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản năm 2005, kích thước 14.5 x 20.5cm, dày 328 trang. Tác giả Nam Hà - một cây bút, một người lính đã từng đi qua những năm tháng chiến trang khốc liệt của dân tộc đã tái hiện lại một chặng đường đau thương nhưng vẻ vang, oanh liệt của lịch sử dân tộc bằng những hình ảnh, con người, mảnh đất… cụ thể, tập bút ký này đã làm nổi bật sức sống, tinh thần, ý chí bất khuất, quật cường của dân tộc và đất nước Việt Nam anh hùng.
Tập bút không những trở thành tiếng kèn xung trận trong chiến tranh mà còn hun đúc lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc cho những thế hệ mai sau. Đồng thời, cũng giúp bạn đọc nhận ra nguyên nhân thành công của ta và thất bại tất yếu của địch.
4. Nhật ký Đặng Thùy Trâm
Số ĐKCB: 2152
Sách được in trên khổ giấy 14 x 20cm, với 327 trang, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành và được Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập dựa trên cuốn nhật ký của Bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.
Bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942 trong một gia đình tri thức Hà Nội. Năm 1966 tốt nghiệp trường Y khoa Hà Nội, sau đó tham gia Quân đội với tư cách là Bác sĩ quân y, được điều đến công tác ở chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi trong cuộc chiến tranh ác liệt của Việt Nam. Bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - người con gái Hà Nội đã hy sinh anh dũng khi tuổi đời chưa đầy 28 tuổi.
Nhật ký Đặng Thùy Trâm là những ghi chép hàng ngày của một người nữ bác sĩ về cuộc sống nơi chiến tuyến. Cuốn nhật ký là thế giới riêng của người trí thức nhạy cảm mà không yếu đuối, tha thiết với cuộc sống, không hề sợ hãi trước những gian nan. Chị đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của một thế hệ cầm súng vào giai đoạn lịch sử không thể nào quên của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thư viện Bảo tàng Đắk Lắk còn có những đầu sách về văn hóa các dân tộc, sách nghệ thuật, khảo cổ, văn học… xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Trần Nguyệt