NHỮNG CUỐN SÁCH HAY TẠI THƯ VIỆN CHUYÊN NGÀNH BẢO TÀNG ĐẮK LẮK
Tháng 12 lại về nhẹ nhàng trên phố núi cao nguyên, trong cái se lạnh của thời tiết giao mùa, thật tuyệt vời khi nhâm nhi ly cà phê thơm nồng và thưởng thức những cuốn sách hay đến từ thư viện chuyên ngành của Bảo tàng Đắk Lắk.
1. Huyền thoại về một vùng đất - Không gian Văn hóa Tây Nguyên qua sử thi Êđê.
Tác giả: Nguyễn Văn Kim
Năm xuất bản: 2021
Nhà xuất bản: Khoa học xã hội
Cuốn sách Huyền thoại về một vùng đất - Không gian văn hóa Tây Nguyên qua sử thi Êđê của GS.TS. Nguyễn Văn Kim góp một góc nhìn mới về văn hóa và con người Tây Nguyên. Qua 9 chương sách, làm sáng rõ nhiều vấn đề liên quan của người Êđê trên đất Tây Nguyên: Tư duy biển, quan niệm, vai trò của nước (Chương I-II); Không gian sinh tồn (Chương III); Quan hệ kinh tế, văn hóa trong nghề dệt, chiếc ché, luật tục (Chương IV-VIII); Tính huyền thoại và chân thực của sử thi Tây Nguyên (Chương IX). Lịch sử đã lùi xa nhưng các di sản của văn hóa Tây Nguyên vẫn còn đó. Không gian văn hóa Tây Nguyên vẫn vang ngân tiếng đàn đá, cồng chiêng vẫn hòa nhịp với âm hưởng của núi rừng, rượu cần trong các ché cổ vẫn thấm, vẫn ngấm say lòng người. Trong công trình nghiên cứu này, tác giả đã dành nhiều trang viết đậm chất suy tư về sự huyền ảo, chất bi tráng, anh hùng, kỳ vĩ của Tây Nguyên được thể hiện và phản ánh trong sử thi Dăm Săn và các bộ sử thi của đồng bào Êđê.
2. Văn hóa dân gian Êđê
Tác giả: Ngô Đức Thịnh
Năm xuất bản: 1995
Nhà xuất bản: Sở văn hóa Thông tin Đắk Lắk
Người Êđê là một trong những cư dân tại chỗ sinh sống lâu đời ở miền đất Tây Nguyên với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng. Nhắc tới văn hóa Êđê, người ta không thể không nhớ tới sử thi Đam San nổi tiếng, được biết đến từ những thập kỉ đầu của thế kỉ 20.
Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về văn hóa Êđê, tác giả Ngô Đức Thịnh đã nêu những nét chung nhất về đời sống vật chất, tinh thần và xã hội của người Êđê thông qua 7 chương:
Chương I: Giới thiệu về truyện cổ Êđê
Chương II: Kể về đặc điểm và giá trị thẩm mỹ của sử thi Khan
Chương III: Về lời nói vần - Klây Duê
Chương IV: Giới thiệu Nghệ thuật biểu diễn dân gian
Chương V: Kiến trúc và Mỹ thuật
Chuơng VI: Lễ thức trong đời sống cá nhân và cộng đồng
Chương VII: Nói về luật tục Êđê và đặc điểm cơ bản của văn hoá dân gian Êđê
3. Nghi lễ cổ truyền của đồng bào Mnông
Tác giả: Trương Bi
Năm xuất bản: 2005
Nhà xuất bản: Sở Văn hóa - Thông tin Đắk Lắk
Nghi lễ cổ truyền đồng bào Mnông là sự tổng hợp các hoạt động văn hóa truyền thống, vừa có văn hóa cồng chiêng, văn hóa mẫu hệ, văn hóa sử thi, vừa có văn hóa ẩm thực…Tập sách bao gồm các nội dung: Nghi lễ vòng đời người, nghi lễ nông nghiệp và một số nghi lễ khác liên quan đến phong tục tập quán của cộng đồng người Mnông.
4. Nhạc khí dân tộc Jrai và Bahnar
Tác giả: Đào Huy Quyền
Năm xuất bản: 1998
Nhà xuất bản: Trẻ
Nhạc khí dân tộc Jrai và Bahnar là cuốn sách được trình bày ngắn gọn, bố cục chặt chẽ, các nhạc khí được chế tác bằng chất liệu núi rừng như: Đá, tre, nứa, gỗ, vỏ bầu, dây rừng,… và được chia làm 4 nhóm: Nhóm nhạc khí hơi, nhóm nhạc khí dây, nhóm nhạc khí màng rung và nhóm nhạc khí tự thân vang. Thông qua nghệ thuật biểu diễn nhạc khí thể hiện tình cảm của mình, đó là tinh thần thượng võ, dũng cảm chiến đấu chống kẻ thù bảo vệ buôn làng…
Trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc những cuốn sách hay, ý nghĩa về văn hoá Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Bên cạnh đó, Thư viện Bảo tàng Đắk Lắk còn có rất nhiều sách viết về lịch sử, pháp luật, chuyên ngành bảo tàng, … kính mời bạn đọc đến Thư viện tra cứu, tìm đọc.
Trần Nguyệt