TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “NHẠC CỤ DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC Ở ĐẮK LẮK”

Nhạc cụ dân gian chính là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống, sinh hoạt gia đình… của các dân tộc ở Đắk Lắk. Hiện các dân tộc đang sở hữu kho tàng nhạc cụ rất phong phú như: cồng chiêng, trống, tù và, đàn T'rưng, Đinh năm, sáo, khèn... Độc đáo nhất là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và Di sản phi vật thể của nhân loại” vào năm 2005.

Từ ngày 16/3/2019, Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức trưng bày chuyên đề “Nhạc cụ dân gian các dân tộc ở Đắk Lắk” phục vụ nhân dân và du khách. Với 07 bài viết; 75 hình ảnh và 45 nhóm hiện vật, chia làm 3 chủ đề gồm: Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Các loại nhạc cụ dân gian của các dân tộc Đắk Lắk và công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của nhạc cụ trong đời sống hiện nay ở Đắk Lắk. Trưng bày dựa trên hiện vật và các bộ ảnh “Di sản văn hóa Đắk Lắk”, “Văn hoá các dân tộc bản địa”, bộ tư liệu của ông Gerald Cannon Hickey - nhà nhân chủng học người Mỹ tặng Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk. Nhạc cụ dân gian của các dân tộc ở Đắk Lắk đã tạo nên một “Mảng âm nhạc” rất độc đáo với nguyên lý cấu tạo đơn sơ, mộc mạc, mang bản sắc rất riêng từ những vật liệu như tre, nứa, vỏ bầu, sừng trâu… nhưng lại gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt cũng như thế giới tâm linh của mỗi dân tộc. Nó là một trong những phương tiện nghệ thuật âm thanh có khả năng biểu đạt tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của con người. Nó được hình thành trong đời sống lao động rồi quay trở lại phục vụ lao động, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Hầu hết các nghi lễ theo vòng đời người cũng như các nghi lễ nông nghiệp, cồng chiêng và các nhạc cụ dân gian đều đóng góp một vị trí quan trọng. Trưng bày chuyên đề “Nhạc cụ dân gian các dân tộc ở Đắk Lắk” không chỉ giới thiệu đến công chúng vai trò, giá trị của Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và hệ thống nhạc cụ dân gian khá phong phú mà còn mang lại kiến thức cho mỗi người về văn hóa, tín ngưỡng, thẩm mỹ,… của các dân tộc. Nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị của cồng chiêng và các nhạc cụ dân gian khác trong đời sống hiện nay của các dân tộc, góp phần gìn giữ và làm phong phú hơn kho tàng di sản văn hoá truyền thống trên bước đường hội nhập. Trưng bày nhằm phục vụ đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh và du khách trong và ngoài nước đến hết ngày 15/4/2019.



Không gian Trưng bày chuyên đề

Phòng Truyền thông