MIẾU THỜ CADA

Miếu thờ CADA thuộc địa phận thôn 19/8, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk.

Đây là ngôi miếu do công nhân đồn điền cà phê CADA đấu tranh đòi chủ đồn điền xây dựng để phục vụ cho sinh hoạt tín ngưỡng, gặp gỡ, giao lưu, trao đổi thông tin. Miếu thờ CADA là cách gọi của những công nhân, chiến sỹ hoạt động cách mạng.


Lúc đầu miếu được làm bằng những vật liệu đơn sơ như: mái tranh, vách đất,... nên chỉ trong một thời gian ngắn đã bị hư hỏng hoàn toàn. Năm 1940, công nhân đồn điền CADA đã đấu tranh yêu cầu chủ đồn điền cho xây dựng lại miếu bằng gạch táp lô với diện tích 6,5m x 3,5m, móng bằng đá ong, mái lợp ngói vảy, nóc mái được trang trí bằng hai con kìm, bốn góc là những đầu đao uốn lượn. Đến năm 1972, ngôi miếu bị lính Mỹ - Ngụy phá hủy hoàn toàn. Sau năm 1975, người dân sống quanh vùng đã góp tiền và công xây dựng lại ngôi miếu bằng xi măng, lợp mái tôn trên nền miếu cũ.


Trong cuộc kháng chiến chống thực Pháp và đế quốc Mỹ, đội ngũ công nhân hùng hậu tại đồn điền CADA đã được giác ngộ cách mạng và trở thành lực lượng nòng cốt; Đồn điền CADA trở thành cơ sở vững chắc trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Miếu thờ CADA cũng là nơi diễn ra một số cuộc họp của Chi bộ Đảng đồn điền CADA, là nơi đặt hộp thư để trao đổi và nhận nhiệm vụ, báo cáo của cơ sở cách mạng ở đồn điền. Từ cuối năm 1946 đến cuối năm 1969, miếu là nơi tổ chức kết nạp đảng viên, đoàn viên, là nơi sinh hoạt của Chi đoàn thanh niên, Công đoàn, Đội tự vệ mật.


Là một kiến trúc trong tổng thể khu Di tích lịch sử CADA, Miếu thờ CADA đã cùng với công nhân, cán bộ chiến sỹ nơi đây góp phần viết lên trang sử hào hùng của nhân dân Đắk Lắk nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc. Chính những giá trị lịch sử to lớn đó, ngày 17/9/2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng Miếu thờ CADA là Di tích lịch sử Quốc gia. 


Một số hình ảnh Miếu thờ CA DA:





GD&TT