DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA KHU TƯỢNG ĐÀI THÀNH QUẢ, ĐOÀN 333 – QUÂN KHU V
Di tích lịch sử, văn hóa Khu Tượng đài Thành Quả (Đoàn 333 - Quân khu V) thuộc địa phận thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk.
Tọa lạc trên một khuôn viên rộng hơn 1 ha, Khu Tượng đài Thành Quả là một quần thể công trình gắn liền với một chặng đường hào hùng, vẻ vang của Đoàn 333 - Quân khu V trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Khu vực này bao gồm nhiều hạng mục như Lễ đài, Sân duyệt binh, Tượng đài Thành Quả,… Trong số đó, dấu ấn đặc biệt nhất là Tượng đài Thành Quả được khởi công xây dựng ngày 22 tháng 12 năm 1985 đến ngày 22 tháng 12 năm 1986 hoàn thành - nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đồng thời cũng là kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Đoàn 333. Tượng đài được khánh thành trong niềm hân hoan chào đón của cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên quốc phòng Đoàn 333 và bà con nhân dân trong vùng. Đây là công trình ghi dấu công lao của những người lính Đoàn 333 đã đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ huyện Ea Kar nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung nên được đặt tên là Tượng đài Thành Quả. Tại Khu Tượng đài đã diễn ra nhiều hoạt động lớn của Đoàn 333 như duyệt binh, diễu hành, mít tinh, đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Kể từ khi ra đời, Khu Tượng đài đã trở thành nơi chứng tích, ghi dấu những mốc son lịch sử địa phương từ những ngày đầu thành lập.
Nhìn tổng thể, Tượng đài là một khối kiến trúc nghệ thuật với đường nét và hình khối chắc chắn, khắc họa thành công hình tượng người chiến sỹ dạn dày, kiên định. Toàn bộ tượng đài cao 15m, được chia thành 3 phần chính: Bệ tượng, Đài sen, Thân tượng. Một điểm đặc biệt của Tượng đài Thành Quả là vật liệu xây dựng: bên cạnh vật liệu chính là bê tông cốt thép, phần đài sen và thân tượng đài được dát một lớp đồng dày phía bên ngoài (6.000 kg) - là chiến lợi phẩm quân ta thu được trong kháng chiến chống Mỹ. Bệ tượng là một khối hình vuông kích thước cạnh 0,3m tạo cảm giác vững chắc, đỡ toàn bộ phần trên của Tượng đài, tiếp đến là một đài sen cách điệu (bao gồm ba cánh, cánh lớn nhất cao 3m, hai cánh còn lại mỗi cánh cao 2,5m). Hình ảnh đài sen nâng bước anh bộ đội cụ Hồ cho thấy ý nghĩa cao cả muốn tôn vinh, ngợi ca hình tượng người lính. Sự kết hợp của một biểu tượng tao nhã với một biểu tượng của đức kiên trung, lòng quả cảm có lẽ là sự kết hợp tuyệt vời hơn cả để vinh danh, tri ân các thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh vì quê hương, đất nước.
Phần chính của công trình là thân tượng đài cao 9m, với hình tượng người chiến sỹ đầu đội mũ tai bèo, sau lưng khoác ba lô, một tay cầm súng, một tay cầm cành hoa cà phê nhằm khắc họa ý nghĩa vừa làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ và góp phần vào công cuộc xây dựng đất Tổ quốc. Đoàn 333, kể từ khi thành lập đã có những đóng góp vô cùng to lớn trong quá trình bảo vệ an ninh, truy quét tàn quân Fulro tại các huyện phía Đông nói riêng và trên địa bàn Đắk Lắk nói chung. Về lĩnh vực sản xuất, từ cuối năm 1982, thực hiện Quyết định số 175/HĐ-BT, ngày 13/10/1982 của Hội đồng Bộ Trưởng, nội dung là chuyển giao các địa bàn cơ sở do các lực lượng quân đội xây dựng kinh tế đang quản lý sang cho các Bộ chuyên ngành. Đoàn 333 được chuyển giao sang Bộ Nông nghiệp quản lý với tên gọi mới là “Xí nghiệp liên hợp Công, Nông, Lâm nghiệp 333” thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là hợp tác với nước bạn Liên Xô trồng cây cà phê xuất khẩu, đồng thời tiếp tục sản xuất lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh công tác xây dựng cơ bản, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển công nghiệp chế biến. Đây là lý do hình tượng người lính của Tượng đài Thành Quả tay phải cầm súng, tay trái cầm bông cà phê. Nội dung này tạo nên nét khác biệt của công trình, đồng thời cũng khẳng định thêm vai trò, ý nghĩa của cây cà phê đối với người dân Đắk Lắk.
Khu Tượng đài Thành Quả (Đoàn 333 – Quân khu V) có tổng diện tích 11.750,6m2 với hình tượng người lính là điểm nhấn đã trở thành biểu tượng thiêng liêng về lòng dũng cảm, ý chí quật cường, không ngại gian khổ, hiểm nguy, sẵn sàng phụng sự, sẵn sàng hi sinh cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các chiến sỹ quân đội nhân dân nói chung và của những người lính thuộc Đoàn 333 nói riêng. Tượng đài còn là niềm tự hào của nhân dân trong khu vực, là công trình để lại dấu ấn đậm nét đối với bất kỳ một ai mỗi khi đến với Ea Kar.
Khu tượng đài Thành Quả (Đoàn 333 – Quân khu V) là công trình ghi dấu những đóng góp to lớn của Đoàn 333. Qua thời gian hình thành và phát triển, Đoàn 333 đã xây dựng được trên vùng rừng núi hoang vu một cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu rất cơ bản và quan trọng cho sản xuất quy mô lớn xã hội chủ nghĩa tại địa bàn, góp phần phân bố lao động, tạo công ăn việc làm cho dân cư trong vùng; đồng thời sẵn sàng trực tiếp chiến đấu, bảo đảm an toàn vững chắc một vùng đất đai rộng lớn, phá tan nhiều âm mưu và hành động quấy phá của bọn phản động Fulro. Đoàn 333 còn rèn luyện, đào tạo một lực lượng khá lớn cán bộ quản lý, kỹ thuật, chuyên môn phục vụ việc phát triển kinh tế trong khu vực. Trên cơ sở những thành quả to lớn đã đạt được, Đoàn 333 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương và danh hiệu cao quý. Thời gian trôi qua càng làm cho những chiến công, những cống hiến của Đoàn 333 thêm tô thắm, rạng ngời. Khu Tượng đài Thành Quả, (Đoàn 333 – Quân khu V) thể hiện sự tri ân sâu sắc của địa phương cũng như các thế hệ hôm nay và mai sau đối với những hy sinh, công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước, lòng biết ơn chân thành của người dân nơi đây đối với những người lính cụ Hồ.
Hằng năm, vào các ngày truyền thống của lực lượng quân đội, những sự kiện trọng đại của thị trấn và của huyện, tại đây vẫn diễn ra các hoạt động dâng hương tri ân. Đó là tình cảm, là tâm trí luôn hướng về thế hệ tiền nhân đã hy sinh vì sự nghiệp kiến thiết, bảo vệ quê hương đất nước. Từ khi có Tượng đài, người dân trong khu vực luôn có một biểu tượng để dẫn dắt hành động, sống, lao động, học tập sao cho xứng đáng với cha anh. Do vậy, Tượng đài không chỉ là công trình kiến trúc đơn thuần mà còn ẩn chứa sâu bên trong nhiều giá trị lịch sử và văn hóa. Tượng đài là biểu tượng của vinh quang, của chiến thắng, là niềm tự hào của cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên quốc phòng và nhân dân huyện Ea Kar.
Ngày 12/3/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định số 517/QĐ-UBND xếp hạng Khu Tượng đài Thành Quả là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.
Một số hình ảnh của Di tích:
GD&TT