DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH LẠC GIAO

Là ngôi đình đầu tiên của người Việt trên mảnh đất Tây Nguyên, Đình Lạc Giao tọa lạc tại 67 Phan Bội Châu, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột do nhân dân làng Lạc Giao xây dựng vào năm 1928, với mục đích làm nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và thờ Thần hoàng làng. “Lạc Giao” có ý nghĩa thể hiện mối giao hảo, lời thề nguyền Kinh – Thượng cùng chung lưng đấu cật chống lại sự áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân.


Đình Lạc Giao


Đình được xây dựng theo kiểu chữ Môn có diện tích 100m2 nằm trong khuôn viên rộng 700m2, gồm: Đình chính, nhà Tiền hiền (nhà Hiện hữu), nhà Hội quán, nhà Bếp, nhà ở cho từ đình và nhà vệ sinh. Kinh phí xây dựng đều do dân làng Lạc Giao đóng góp. Triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong cho đình thờ Thần hoàng Đào Duy Từ.


Cách mạng Tháng Tám thành công, Đình Lạc Giao là nơi ra mắt chính quyền cách mạng, những người con của làng Lạc Giao trở thành chiến sĩ vệ quốc đoàn hoặc tham gia chính quyền cách mạng như: ông Hồ Bang – Chủ tịch làng Lạc Giao, ông Lê Văn Tín – Phó chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời thị xã và nhiều đồng bào, đồng chí đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Đây cũng là nơi diễn ra sự kiện ra mắt Uỷ ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột vào ngày 18/3/1975.


Năm 1990, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định số 168/QĐ-BVHTT, ngày 02/3/1990 xếp hạng Đình Lạc Giao là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.


Hằng năm, vào các dịp Xuân Thu nhị kỳ, tại Đình Lạc Giao dân làng đều tổ chức các lễ tế: Lễ Tế Xuân (17/01 âm lịch), Lễ Tế Thu (17/8 âm lịch) với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), Lễ tưởng niệm 100 chiến sĩ Nam tiến và đồng bào tử nạn tại Buôn Ma Thuột vào ngày 01/12/1945 (27/10 âm lịch).




Tế lễ tại Đình Lạc Giao

GD&TT