HỘI THẢO KHOA HỌC VỚI CHỦ ĐỀ “CÔNG TÁC BẢO TỒN DI SẢN ÂM NHẠC CỔ TRUYỀN CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TRUNG BỘ VÀ TÂY NGUYÊN - CHÍNH SÁCH VÀ THỰC TIỄN”

Ngày 10/4, tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, Viện nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Công tác bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Trung bộ và Tây Nguyên - Chính sách và thực tiễn”.


Hội thảo là một hoạt động nằm trong khuôn khổ thực hiện Đề tài nghiên cứu cấp quốc gia: “Những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền trong đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam” do Viện Âm nhạc Việt Nam chủ trì thực hiện trong thời gian từ tháng 6/2017 đến tháng 11/2019.


Tham dự Hội thảo có ông Y Wơn Bkrông - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, đại diện Sở Văn hóa Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, Bảo tàng tỉnh, Đoàn Ca múa Dân tộc, Hội VHNT tỉnh Gia Lai và tỉnh Lâm Đồng, Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, một số nghệ nhân và nhà nghiên cứu…


Trình bày Báo cáo đề dẫn của Hội thảo, PGS.TS. NGƯT Nguyễn Bình Định, Viện nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam nêu ra nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến những khó khăn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền trong đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở nước ta. Hiện nay nhiều luồng, nhiều loại hình âm nhạc khác nhau xâm nhập, chen lấn ở nhiều tầng lớp, nhiều chiều của âm nhạc ngoại lai khiến cho âm nhạc dân tộc nước ta nói chung, âm nhạc cổ truyền của các dân tộc nói riêng đang ngày càng bị thu hẹp về không gian trình diễn, cơ hội trình diễn, đối tượng khán giả. Hiện nay chỉ còn một số ít thanh niên dân tộc thiểu số ở Trung bộ và Tây Nguyên biết hát dân ca, chơi nhạc cụ của dân tộc mình. Các nghệ nhân giỏi nghề, trình diễn thành thạo các loại âm nhạc dân gian đặc sắc; nghệ nhân biết chế tác, trình diễn và truyền dạy nhạc cụ dân tộc độc đáo thì ngày càng ít,... Do đó, Hội thảo “Công tác bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Trung bộ và Tây Nguyên - Chính sách và thực tiễn” nhằm tiến hành điều tra, khảo sát toàn diện việc triển khai các chủ trương, chính sách có liên quan trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.


Hội thảo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nghệ nhân, các nhạc sỹ, các nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc với hơn 08 bài tham luận. Các nhà nghiên cứu, các đại biểu đã tập trung bàn thảo các vấn đề: Diện mạo, đặc trưng và những giá trị văn hóa, xã hội, nghệ thuật trong di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Trung bộ và Tây Nguyên; Vai trò, vị trí của các di sản âm nhạc cổ truyền trong đời sống văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Trung bộ và Tây Nguyên; Thực trạng bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền và kết quả thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy di sản âm nhạc dân tộc thiểu số ở Trung bộ và Tây Nguyên. Đồng thời, tại Hội thảo các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở Trung bộ và Tây Nguyên.



PGS.TS.NGƯT Nguyễn Bình Định, Viện nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam chủ trì Hội thảo.



Quang cảnh buổi Hội thảo.



Nhà nghiên cứu Văn hóa, Nhạc sỹ Linh Nga Niê Kđăm báo cáo tham luận.



Thạc sỹ, Nhạc sỹ Lê Xuân Hoan, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Gia Lai báo cáo tham luận.




GD&TT