GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 11 - KHO BÁU TIỀN CỔ ĐẠI VIỆT

Để bạn đọc tìm hiểu về tiền cổ Đại Việt, Thư viện chuyên ngành Bảo tàng Đắk Lắk giới thiệu đến quý bạn đọc cuốn sách “Kho báu tiền cổ Đại Việt” do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xuất bản tại Hà Nội năm 2006, khổ 29 x 20cm, dày 147 trang.

Cuốn sách giới thiệu tổng thể bộ sưu tập tiền kim loại cổ Việt Nam hoàn thiện nhất từ trước đến nay, đặc biệt là sưu tập tiền của triều đại Lý - Trần (TK XI-XIV) có những chủng loại tiền vô cùng hiếm quý.

Cuốn sách gồm có 2 phần:

Phần I: Lời giới thiệu; Ấn tượng về một bộ sưu tập; Kho báo tiền cổ Đại Việt 

Phần II: Giới thiệu những đồng tiền xu của các Triều đại Việt Nam: Triều Đinh, Triều Tiền Lê, Triều Lý, Triều Trần, Triều Hồ, Triều Lê Sơ, Triều Mạc, Triều Lê Trung Hưng, Triều Tây Sơn, Triều Nguyễn.

Giá trị của bộ sách cho thấy sự kỳ công và tâm huyết của một doanh nhân Hà Nội, người đã giữ gìn, minh chứng cho bề dày văn minh đất nước. Cuốn sách giúp thế hệ trẻ ý thức sâu sắc về di sản văn hoá Việt Nam thông qua bộ sưu tập tiền cổ của nhà sưu tập tư nhân Nguyễn Đình Sử.


Bộ sưu tập tiền trong cuốn sách “Kho báu tiền cổ Đại Việt” này có bề dày lịch sử 200 năm, được kế thừa từ một bậc cao niên đầy nhiệt huyết với tiền cổ.




Nói về giá trị bộ sưu tập tiền cổ, cũng là giá trị của bộ sách, PGS. TS Đỗ Văn Ninh khái quát trong lời đề tựa chỉ với hai từ Hiếm và Phong phú.

Hiếm vì sách giới thiệu với bạn đọc hầu như đủ bộ các đồng tiền của hàng nghìn năm. Có những đồng đúc với số lượng ít, số còn đến ngày nay là vô cùng hiếm, như đồng Thiên Cảm Nguyên Bảo, mặt sau còn có chữ Càn Vương, đúc vào năm vua Lý Thái Tông phong cho con trai Nhật Trung tước Càn Vương.

Phong phú vì không chỉ mỗi niên hiệu vua có một đồng tiền, mà có những đồng tiền như tiền Cảnh Hưng (1740 - 1786) dưới triều vua Lê Hiến Tông, nhà sưu tầm có hàng ngàn đồng. Không chỉ là tiền vua đúc, tức tiền chính triều, mà còn có cả tiền do các hoàng thân đúc ra như tiền Chiêu Đại vương nha do nha vương phủ Trần Ích Tắc đúc. Trích lời “PGS. TS Đỗ Văn Ninh, nguyên Phó viện trưởng Viện sử học Việt Nam – kho báu tiền cổ Đại Việt – Hà Nội – Việt Nam, năm 2006, trang 10”.


Theo ông Xiong Bao Kang, Nguyên tổng thư ký Hội nghiên cứu tiền tệ Quảng Tây, Trung Quốc trong một bài tựa khác, có nhận xét: “Bộ sưu tập của ông Sử thâu tóm khái quát được lịch sử các vương triều Việt Nam… Trong bộ sưu tập tiền này, có những đồng tiền vô cùng quý hiếm. Người ta chỉ biết đến những đồng tiền này qua sự ghi chép của sách vở mà ít ai được tận mắt nhìn thấy chúng” (Trích kho báu tiền cổ Đại Việt – Hà Nội – Việt Nam, năm 2006, trang 8).



Trần Nguyệt