GIỚI THIỆU SÁCH: NHÀ RÔNG TÂY NGUYÊN

Để tìm hiểu về những ngôi nhà truyền thống của dân làng Tây Nguyên, Thư viện chuyên nghành Bảo tàng Đắk Lắk xin giới thiệu đến quý bạn đọc ấn phẩm Nhà rông Tây Nguyên - rông (Community halls in the Central Highands of Vietnam) của tác giả Nguyễn Văn Kự - Lưu Hùng, xuất bản năm 2017 với 316 trang.

Nói đến Tây Nguyên, hầu như người ta cũng nghĩ ngay đến nhà rông - một công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa dân tộc của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ. Nhà rông là một trong những di sản văn hóa rất tiêu biểu và đặc thù ở một số dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, đặc biệt ở Bắc Tây Nguyên và miền núi 2 tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế. Như ngôi đình làng Việt, nhà rông là ngôi nhà chung của làng. Theo Giáo sư Hà Văn Tấn: “Người ta nhận thấy nhà rông có nhiều chức năng giống với đình, như trụ sở của bộ máy quản trị buôn làng, nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, nhà khách, câu lạc bộ”, còn nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng “Nhà rông là linh hồn của làng… Có nhà rông mới thật sự là làng.”

Nhà rông là nơi diễn ra các hoạt động trong đời sống cộng đồng làng, nơi đêm đêm, ngay từ tấm bé, đứa trẻ đã được theo cha mẹ đến dự những buổi tụ hội cả làng quanh bếp lửa, ở đó với những cuộc trò chuyện, ca hát, chơi đùa, thậm chí cả la đà bên ché rượu cần..., truyền cho nhau, từ đời này sang đời khác, tiếp nối không ngừng, kinh nghiệm sống và làm người giữa chốn rừng núi vừa bao dung, vừa dữ dội và khắc nghiệt này: cách đi săn con thú trong rừng, cách trỉa lúa trên rẫy, cách xem trời nắng mưa, cách sống với rừng và với người, cách ứng xử với người già, người trẻ, người quen, người lạ, với bạn với thù, với người còn sống và người đã chết, với con người và với thần linh...;Và tất nhiên, cả cách yêu đương, nên vợ nên chồng...; Nơi dân làng hội họp để bàn bạc dân chủ và Hội đồng già làng quyết định mọi việc lớn nhỏ liên quan đến đời sống của làng; Nơi diễn ra các lễ hội tưng bừng và tiến hành các nghi lễ tín ngưỡng thâm trầm; Nơi đêm này qua đêm khác, có khi kéo dài đến hàng chục đêm, những người già hát kể cho con cháu nghe những bản trường ca về những người anh hùng huyền thoại và về sự hình thành vũ trụ cùng sự sống trên trái đất này... Đây cũng là nơi làng tiếp đãi khách, tức là ngôi nhà đại diện của làng để giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Nhà rông còn đặc biệt là nơi ngủ bắt buộc của tất cả thanh niên chưa có vợ trong làng: bởi họ là lực lượng trực chiến của làng, sẵn sàng bảo vệ làng chống lại mọi cuộc tiến công đến từ mọi phía. Chính vì vậy, nhà rông thường đứng ở vị trí cao nhất trong làng để có thể phát hiện kẻ thù đến từ xa, là sở chỉ huy của các cuộc chiến đấu bảo vệ làng...

Kiến trúc nhà rông khá đa dạng, không chỉ hấp dẫn bởi kiểu dáng đẹp cùng các hình thức trang trí đặc sắc, mà còn đặc biệt ở tập quán sử dụng nó. Kết cấu nhà rông dựa trên cở sở kết cấu khung cột, dựng cột thành 2 dãy theo dọc sàn nhà, nhưng ở nhà rông có mái dạng mu rùa, thì các cột phân bố theo đường vòng của mái. Có những kiểu nhà rông khác nhau, kể cả trong cùng một dân tộc. Riêng nhà rông của người Cơ Tu còn có thêm cây cột cái ở chính giữa sàn, cao tới tận nóc.

Nhà Rông Tây Nguyên của tác giả Nguyễn Văn Kự - Lưu Hùng là cuốn sách ảnh, được trình bày song ngữ Việt – Anh. Cuốn sách tập hợp các bức ảnh sống động không chỉ giới thiệu chức năng kiến trúc của nhà rông của các dân tộc Bắc Tây Nguyên mà tác giả còn tả cả nhà rông (nhà gươl) của người Cơ Tu ở vùng Bắc Trường Sơn. Nhà rông được trình bày theo từng dân tộc (sắp xếp theo thứ tự A, B, C của tên các dân tộc đó).



Cuốn sách gồm 2 phần chính:

Phần I

- Lời nói đầu

- Nhà rông, hồn của làng

- Nhà rông, nét văn hóa đặc sắc ở Tây Nguyên

Phần II: Giới thiệu nhà rông các dân tộc

- Nhà rông Ba-Na

- Nhà rông Brâu

- Nhà gươl Cơ-Tu

- Nhà rông Gia-Rai

- Nhà rông Gié-Triêng

- Nhà rông Rơ-Măm

- Nhà rông Xơ-Đăng

Sách lưu lại những hình ảnh đẹp của một di sản văn hóa lâu đời, như một lời kêu gọi đầy sức thuyết phục cho công tác bảo tồn và khôi phục giá trị của những ngôi nhà rông và những thách thức mới đang đặt ra đối với nhà rông nói riêng và văn hóa Tây Nguyên nói chung, tạo cơ hội để độc giả tiếp cận và suy nghĩ về vấn đề du nhập những yếu tố mới, hiện đại đang diễn ra trong thực tế đời sống xã hội ở vùng đất cổ truyền này. Vẻ đẹp của ngôi nhà rông cần mãi mãi được gìn giữ bởi đó là vẻ đẹp đặc trưng và có giá trị nhiều mặt của truyền thống văn hóa xứ Thượng, cũng như của đất nước Việt Nam.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.


Trần Nguyệt