ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI BRU-VÂN KIỀU TẠI HUYỆN KRÔNG PẮC, TỈNH ĐẮK LẮK

Tập sách ảnh “Đời sống của người Bru-Vân Kiều tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk” được biên tập bởi phòng Sưu tầm và Trưng bày, Hội đồng khoa học Bảo tàng Đắk Lắk dưới sự chỉ đạo nội dung của Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk.

Cuốn sách do Bảo tàng Đắk Lắk chịu trách nhiệm xuất bản và phát hành năm 2020, gồm 58 trang in màu với nhiều hình ảnh minh họa sinh động nhằm giới thiệu những nét đặc sắc về phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống cũng như những biến đổi trong đời sống hiện nay của người Bru-Vân Kiều tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.



Huyện Krông Pắc nằm ở phía đông tỉnh Đắk Lắk, dọc Quốc lộ 26, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 30km, có diện tích tự nhiên 62.581ha với 15 xã và 01 thị trấn. Dân số của huyện theo số liệu thống kê năm 2019 hiện có 194.910 người, với 35 dân tộc anh em cùng sinh sống, đông nhất là người Kinh (131.402 người, chiếm 67.4% dân số), rồi đến người Êđê, Nùng, Xê đăng, Sán chay, Tày, Bru-Vân kiều... Trong đó, người Bru-Vân Kiều có 2.659 người chiếm 5,18% dân số toàn huyện.


Người Bru-Vân Kiều từ dãy Trường Sơn di cư lên Đắk Lắk, chủ yếu sinh sống tại xã Ea Hiu và xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) từ cuối tháng 4/1972. Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng họ vẫn giữ được những phong tục, tập quán đặc sắc của dân tộc mình, thể hiện ở tín ngưỡng thờ tổ tiên, tục làm bàn thờ cho linh hồn sống, tục đi sim, âm nhạc, kiến trúc nhà sàn và trang phục truyền thống của mình.


Ngày nay, cùng với quá trình hội nhập, những phong tục, tập quán truyền thống của người Bru-Vân Kiều cũng dần lược bỏ một số nghi thức không còn phù hợp để thích nghi với cuộc sống mới nơi đây.


Với cách trình bày khoa học, giải thích rõ ràng, tập sách ảnh “Đời sống của người Bru-Vân Kiều tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk” giúp độc giả có thể hiểu rõ hơn về phong tục, văn hóa của người Bru-Vân Kiều, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Bru-Vân Kiều tại Đắk Lắk.


Thư viện chuyên ngành Bảo tàng Đắk Lắk xin trân trọng giới thiệu tập sách ảnh “Đời sống của người Bru-Vân Kiều tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk” đến quý độc giả!


GD&TT