GIẢI PHÁP BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI SẢN KHẢO CỔ TẠI ĐẮK LẮK

Vấn đề hàng đầu của công tác nghiên cứu bảo tồn di tích, di vật khảo cổ trước hết là chỉnh lý - bảo lưu toàn bộ thông tin khoa học quan trọng nhất của từng địa điểm; nghiên cứu đề xuất bảo tồn các địa điểm khảo cổ phục vụ nghiên cứu và du lịch.

Những thông tin cần được cập nhật cho các di tích gồm: Vị trí địa lý; lịch sử phát hiện, thám sát - khai quật và nghiên cứu; tính chất khảo cổ học; tầm vóc di tích trong không gian phẳng và trong địa tầng; hiện vật khảo cổ học được phát hiện và nơi lưu trữ, trưng bày hiện nay; mẫu vật khảo cổ học từng được giám định; các nhận định của những nhà nghiên cứu... Tuy nhiên các di chỉ sau khai quật chỉ dừng lại ở việc báo cáo kết quả thu được, mà chưa đề xuất đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ đó.
Chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số giải pháp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản khảo cổ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk như sau. Tại địa điểm khai quật: Tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật, thám sát ngay tại địa phương nơi được khai quật thám sát, để người dân được tận mắt nhìn thấy những hiện vật khảo cổ và biết được lịch sử xa xưa của mảnh đất mình đang sinh sống, giúp họ hiểu thêm về giá trị văn hoá tiền sử từ đó có ý thức bảo vệ và phát huy những gì mà họ đang sở hữu.

Báo cáo sơ bộ tại địa điểm khai quật (Nguồn:Internet)

Tổ chức cho các lớp học tìm hiểu thực tế tại di tích, việc đưa học sinh tới tham quan các di tích, cùng tham gia khai quật khảo cổ học với mục đích giúp các em có được kiến thức bước đầu và nhận biết được những hiện vật khảo cổ học cũng có thể là bài học kinh nghiệm lớn đối với việc nghiên cứu, bảo tồn các di tích, đồng thời giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về truyền thống văn hóa quý báu mà cha ông để lại.

Học sinh trải nghiệm khai quật khảo cổ học (Nguồn: Internet)
Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch địa phương cần chủ động tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xây dựng kế hoạch phục dựng lại các hố khai quật quan trọng đã được tiến hành khai quật trong thời gian qua, đưa các di chỉ này vào các tuor du lịch trong và ngoài nước. Một mặt phát huy được giá trị văn hoá tiền sử, mặt khác mang lại cho người dân sinh sống trong địa bàn có di chỉ đó có thêm nguồn lợi, từ đó làm cho người dân bảo vệ tốt hơn tránh làm ảnh hưởng hư hại đến di chỉ, vì chính họ là người bảo vệ tốt nhất cho giá trị văn hoá đó của địa phương mình. Ở Tây Nguyên, trong hàng trăm di tích khảo cổ được biết đến, nhưng chỉ có di tích Cát Tiên (Lâm Đồng) được xây dựng bảo tàng tại chỗ. Đây được coi là một trong những hình thức tuyên truyền, giáo dục, bảo vệ và phát huy có hiệu quả nhất hiện nay của di tích khảo cổ. Chúng tôi nghĩ rằng, nhiều di tích khác ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng cũng cần đi theo hướng này.

Xây dựng không gian bảo tồn di tích khảo cổ tại chỗ tại Di tích Cát Tiên (Nguồn: Internet)

Quy hoạch các điểm di tích khảo cổ trên địa bàn toàn tỉnh:
Công việc điều tra cơ bản khảo cổ học ở Đắk Lắk cần được triển khai trước một bước, việc nghiên cứu và xây dựng quy hoạch khảo cổ cấp tỉnh phải được gắn với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Để triển khai điều tra cơ bản, cần chú trọng vùng biên giới quốc gia, vùng lòng hồ các nhà máy thủy điện, các khu công nghiệp và khu đô thị mới đang và sẽ hình thành. Tiềm năng khảo cổ học Đắk Lắk là khá lớn, bởi phần lớn các di chỉ khảo cổ mới chỉ được phát hiện mà chưa được khai quật. Trong giai đoạn tới cần xây dựng một chiến lược nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn cho Đắk Lắk, trong đó có khảo cổ học là hết sức bức thiết. Cần gắn việc nghiên cứu khảo cổ học với các ngành khoa học nhân văn, đặc biệt là dân tộc học, bởi nơi đây còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa, ngôn ngữ, tộc người bản địa có thể khai thác, so sánh với tư liệu tiền sử vùng này, làm sâu sắc hơn các công trình nghiên cứu về Đắk Lắk. Từ đó chủ động cho việc xây dựng quy hoạch khai quật, bảo tồn và phát huy di sản khảo cổ ở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Số hóa các hiện vật khảo cổ học quý hiếm:

Các hiện vật khảo cổ học, nhất là hiện vật chất liệu đồng rất dễ bị ăn mòn bởi môi trường bảo quản phòng ngừa không ổn định, khí hậu Tây Nguyên khắc nghiệt, tình hình biến đổi của khí hậu hiện nay tiềm ẩn những hậu quả khó lường. Nhằm bảo quản lâu dài và phát huy tốt nhất giá trị các sưu tập hiện vật, Bảo tàng Đắk Lắk cần tổ chức thực hiện số hóa các hiện vật quý hiếm vào việc lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị các di vật/hiện vật nhằm phục vụ quản lý, nghiên cứu một cách hiệu quả mà không cần phải tiếp xúc trực tiếp đến hiện vật, không làm ảnh hưởng đến hiện vật; Trưng bày phục vụ khách tham quan tại bảo tàng hoặc thông qua mạng internet một cách sinh động, hấp dẫn; Phục vụ các hoạt động trao đổi khoa học với các bảo tàng trong và ngoài nước, từ đó có sự kết nối thông tin nhằm hiện đại hoá các khâu công tác bảo tàng một cách nhanh chóng, hiệu quả... nhằm giúp việc bảo quản các di vật, hiện vật một cách rất linh hoạt thuận tiện, ít phải tác động trực tiếp đến chúng khi cần kiểm kê, nghiên cứu... góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý di sản văn hóa. Hơn nữa, số hóa hiện vật giúp chúng ta xây dựng được những nội dung trưng bày hiện đại, tạo sự tương tác với khách tham quan, giúp người xem có thể tham gia vào các hoạt động bảo tàng làm cho hoạt động bảo tàng trở nên hấp dẫn, sống động hơn. Công nghệ số hóa cho phép chúng ta trưng bày hiện vật dạng số hóa (bảo tàng ảo) một cách rộng rãi cho đông đảo công chúng, ở mọi thời gian, địa điểm khác nhau, vừa phát huy được khả năng to lớn của công nghệ tin học mà lại không còn bị coi là quá phức tạp, tốn kém như những năm trước đây.


Xây dựng phim 3D trên cơ sở các tư liệu khảo cổ:
Trên cơ sở các tư liệu khảo cổ và những nghiên cứu về đời sống sinh hoạt của cư dân ở Tây Nguyên xưa và nay, xây dựng những bộ phim về đời sống của con người thời tiền sử thông qua ứng dụng công nghệ 3D. Trong quá trình thực hiện cần nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung cho đầy đủ nội dung thông tin về tài liệu hiện vật. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào gìn giữ và phát huy các giá trị Di sản văn hóa nói chung, các hiện vật bảo tàng nói riêng tạo ra những cơ hội mới để các bảo tàng trở nên hấp dẫn hơn, hiện đại hơn nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn bởi vì nhu cầu thưởng ngoạn những giá trị lịch sử, văn hóa của công chúng ngày càng cao.

Phát huy vai trò của cộng đồng cư dân địa phương:
Việc bảo tồn phát huy giá trị các di tích khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là hết sức cần thiết. Hướng mọi người đến một cái nhìn chung về giá trị to lớn mà khảo cổ học mang lại. Cần chú ý hơn tới vai trò của cộng đồng dân cư địa phương, để người dân hiểu hơn về văn hóa truyền thống quý báu mà cha ông để lại thông qua các lớp học, các buổi tìm hiểu thực tế tại di tích, cùng tham gia khai quật khảo cổ học cũng có thể là bài học kinh nghiệm đối với việc nghiên cứu, bảo tồn các di tích. Đây là một hướng đi bền vững, bởi chỉ khi người dân hiểu về giá trị di tích thì họ mới chủ động tham gia vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản… Bảo vệ và phát huy giá trị của di tích là nền tảng, là nguồn động lực cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người và của cả cộng đồng.Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di vật/hiện vật khảo cổ ở tỉnh Đắk Lắk cần: quy hoạch, ứng dụng công nghệ thông tin, liên kết với ngành du lịch, coi trọng vai trò của nhân dân... để bảo tồn các di tích, di vật/hiện vật khảo cổ trên địa bàn là những đề xuất tâm huyết của cá nhân mong muốn việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích sẽ đạt hiệu quả thiết thực, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Bảo Trâm