ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU “ẨM THỰC CỦA NGƯỜI ÊĐÊ KPĂ Ở BUÔN KMRƠNG PRŎNG A, BUÔN KMRƠNG PRŎNG B, XÃ EA TU, THÀNH PHỐ BUÔN MA THUỘT VÀ NHỮNG BIẾN ĐỔI TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP”

Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, nơi có địa hình đa dạng, khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ; nơi cư trú lâu đời của nhiều dân tộc bản địa với các sắc thái văn hóa đặc sắc.

Tính đến tháng 4 năm 2019, Đắk Lắk có dân số 1.869.322 người, mật độ dân số 135 người/km², trong đó người Êđê chiếm 30% dân số, với 184 xã, phường, thị trấn, 2.384 thôn, buôn, tổ dân phố (trong đó buôn đồng bào dân tộc tại chỗ có 598), là nơi hội tụ của 49 dân tộc anh em trong toàn quốc về đây sinh cơ lập nghiệp, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đắk Lắk là vùng đất đa dạng, phong phú về phong tục, tập quán, về văn hóa các vùng miền, đặc biệt là văn hóa dân tộc bản địa.


Người Êđê có văn hóa truyền thống độc đáo, tiêu biểu và phong phú, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và chính trị ở Tây Nguyên. Người Êđê cư trú tập trung ở tỉnh Đắk Lắk, địa bàn tương đối bằng phẳng, giao thông đi lại thuận tiện. Do vậy, họ sớm tiếp thu các luồng văn hóa mới, quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa diễn ra mạnh mẽ dẫn đến sự biến đổi một số nét văn hóa tộc người và hình thành những nét mới, trong đó có vấn đề ẩm thực. Hiện nay, những món ăn truyền thống của người Êđê đang biến đổi, theo đó những ứng xử, nét đẹp độc đáo trong văn hóa ẩm thực, văn hóa tộc người của đồng bào cũng mai một dần. Việc nghiên cứu những biến đổi trong văn hóa ẩm thực của người Êđê trở thành một vấn đề cấp thiết. Do vậy, nhóm nghiên cứu của phòng Sưu tầm và Trưng bày đã chọn đề tài “Ẩm thực của người Êđê Kpă ở buôn Kmrơng Prŏng A, buôn Kmrơng Prŏng B, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột và những biến đổi trong bối cảnh hội nhập” làm đề tài nghiên cứu cấp cơ sở của mình, nhằm cung cấp thêm những tư liệu mới về sự biến đổi ẩm thực truyền thống của người Êđê Kpă ở buôn Kmrơng Prŏng A, buôn Kmrơng Prŏng B, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.


Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài có ba chương gồm:


Chương 1. Tổng quan về vùng đất và con người


Chương 2. Ẩm thực truyền thống của người Êđê Kpă ở buôn Kmrơng Prŏng A, buôn Kmrơng Prŏng B, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột và những biến đổi


Chương 3. Bảo tồn và phát huy giá trị ẩm thực truyền thống của người Êđê Kpă ở buôn Kmrơng Prŏng A, buôn Kmrơng Prŏng B, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột trong quá trình hội nhập.


VÀI NÉT VỀ ẨM THỰC CỦA NGƯỜI Ê ĐÊ


Ẩm thực của  người Êđê là sự hòa trộn tinh tế của thảo dược, gia vị và thực phẩm tươi sống với những phong cách nấu nướng đặc biệt. Mùa nào thức ấy thể hiện sự thích nghi mang tính chủ động, cách ứng xử của con người đối với môi trường tự nhiên của người Êđê ở Tây Nguyên trong quá trình tồn tại và phát triển.Tập quán ăn uống ấy phù hợp nền kinh tế nương rẫy và tín ngưỡng của họ.


Người Êđê quan niệm bữa ăn là nơi giao tiếp thân mật của mọi người. Món ăn chính là cơm tẻ, trước kia được nấu trong nồi đất hay nồi đồng lớn cho đại gia đình, ăn cùng với nhiều món được chế biến theo các cách khác nhau, theo khẩu vị của mỗi nhóm địa phương.


Về nguyên liệu: Thức ăn là thực vật có nguồn gốc từ việc hái lượm trong rừng, lấy trên nương rẫy hoặc mua ngoài chợ.Họ thường hái các loại lá cây rừng, đọt măng, ruột cây búng báng…để ăn trực tiếp hoặc nấu thành món ăn. Trong chế biến bữa ăn, các loại lá này thường phối hợp với các loài thủy sản bắt được ở sông, suối. Ngoài ra, những con thú khi săn được sẽ mang về làm thịt và phơi khô. Thịt của chúng được chia đều cho những người đi săn và họ mang về cất trên giàn bếp của nhà mình để nấu ăn dần; Tim, gan, ruột, chân, xương của con thú nấu canh với các loại lá trong rừng như lá ktôñ để ăn chung.



Một số nguyên liệu dùng chế biến món ăn truyền thống



Chuẩn bị nguyên liệu chế biến món ăn



Nguyên liệu nấu món canh bột




Nguyên liệu nấu món cà đắng




Nguyên liệu nấu món lá mỳ xào






Nguyên liệu chế biến món nộm



Cách thức chế biến: Trong đời sống thường ngày, cách thức ăn uống biến đổi dần theo chiều hướng đơn giản hóa. Người Êđê có hai phương thức: Chế biến không qua lửa và chế biến qua lửa. Chế biến không qua lửa là cách làm các món ăn không dùng nhiệt lượng của lửa, thức ăn được chế biến trong thời gian ngắn để sử dụng bằng cách làm sạch, (ngă mtah), giã nát và ướp gia vị (tlê) hoặc muối chua (ngă msăm) để ăn dần. Chế biến qua lửa gồm có: Ăm (nướng); K’ŭl (luộc); Đeh (rang) và Tŭk (nấu).


Cách thức ăn uống: Khi đi săn bắt hay làm rẫy người Êđê thường mang theo gạo và muối, dùng lá chuối để gói rau, om cá, thịt, ống lồ ô để nấu thức ăn, nướng cơm lam, giã gia vị,... Khi ở nhà, họ dùng nồi đất hoặc nồi bằng gang nhỏ để nấu đồ ăn, dùng tô sứ hoặc gốm đựng thức ăn, ăn bằng muỗng. Những dịp ma chay hay cưới hỏi cần nồi đồng, chảo đồng lớn hơn để nấu các món ăn, họ dùng lá chuối để đựng thức ăn và ăn bằng tay. Nếu ăn không hết, người ta sẽ gói lại bằng lá rừng và chia đều cho mọi người.


Vị chủ đạo trong món ăn: Khi nhắc tới ẩm thực các miền, mọi người thường khái quát hóa rằng: người miền Bắc ăn mặn, người miền Nam ăn ngọt. Cũng theo cách nói đó thì người Êđê ở Đắk Lắk ăn cay. Ớt là gia vị không thể thiếu trong bất kể món ăn nào của người Êđê ở đây: ăn sống chấm muối ớt, giã với muối ớt, luộc chấm muối ớt, canh cũng nêm muối ớt.


Một số món ăn truyền thống của người Êđê:Món canh bột - Djam pŭng êyao, cà đắng nấu vách bò (phần đầu ruột non của bò) - wêč bò, lá mì xào cá cơm - Djam hla hbei blang, gà nướng muối ớt, cà đắng giã cá hấp, cà đắng giã với các gia vị...



Nguyên liệu làm món cà đắng giã muối ớt





Món gà nướng hoàn thiện



Các món ăn sau khi hoàn thiện



Bữa cơm gia đình


Thức uống: Nhắc đến thức uống của người Êđê không thể không nhắc đến rượu cần - là đồ uống mang nhiều giá trị thiêng trong các nghi lễ, là lễ vật trong đám cưới, đám ma...


Hút: Nam, nữ người Êđê thích hút thuốc bằng tẩu, thức hút là lá cây Hăt hla. Đó là loại cây thuốc tự trồng và lấy lá của nó phơi khô để hút. Họ chỉ trồng một loại thuốc lá, đó là loại cây bụi, cành nhỏ, lá gần giống lá cà phê, một mặt lá có lớp lông trắng, mỏng.


Hiện nay, những món ăn, thức uống truyền thống của người Êđê đang biến đổi, theo đó những ứng xử, nét đẹp độc đáo trong văn hóa ẩm thực cũng mai một dần. Tiêu biểu nhất là rượu cần, men từ các loại lá là nguyên liệu quan trọng nhất làm nên hương vị đặc biệt của nó. Tuy nhiên, rất nhiều người Êđê không biết các loại lá đó nữa. Việc sưu tầm, khai thác những nét đẹp trong văn hóa ẩm thực, những bí ẩn trong kho tàng văn hóa tộc người Êđê, xây dựng các phương án bảo tồn văn hóa ẩm thực là rất cần thiết và cấp bách. Tăng cường công tác giáo dục và đào tạo, nhất là đối với cán bộ văn hóa, giáo viên là đồng bào Êđê tại chỗ. Đây là cách thức hiệu quả giúp người dân bản địa nhận thức, phân biệt được những giá trị văn hóa tốt đẹp cần phải giữ gìn, những giá trị văn hóa lạc hậu cần phải loại bỏ. Cần sự định hướng của các cơ quan phụ trách về văn hóa ở địa phương trong các lễ hội có tổ chức ăn uống, vui chơi theo phương châm: duy trì những mặt tốt, loại bỏ những hủ tục.


Đối với ngành văn hóa du lịch từ trung ương đến địa phương cần tìm hiểu, nghiên cứu và nắm bắt tốt các thị hiếu của khách du lịch, đồng thời tìm tòi khai thác những yếu tố ẩm thực truyền thống đặc trưng để giới thiệu, phục vụ khách, trên nguyên tắc tôn trọng ẩm thực truyền thống của từng dân tộc. "Khuyến khích các địa điểm du lịch giới thiệu các món ăn truyền thống của người Êđê như: canh bột lá Êyao, cà đắng vách bò (wêč bò) hay lá mỳ xào,...." như ý kiến của anh Y Bây Kbuôr, buôn Kmrơng Prŏng A, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột./.



Phòng Sưu tầm và Trưng bày