SỰ RA ĐỜI CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN Ở ĐẮK LẮK VÀ PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA CÔNG NHÂN ĐỒN ĐIỀN CADA

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), để khôi phục lại nền kinh tế, bù đắp lại những thiệt hại trong chiến tranh, thực dân Pháp đẩy mạnh cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 ở Đông Dương trên quy mô rộng lớn; các nhà tư bản Pháp đổ xô vào Đắk Lắk tiến hành lập đồn điền. Đến năm 1925, diện tích khai thác ở Đắk Lắk đã lên đến 200.000 ha.

Khu khai thác đầu tiên tại tỉnh Đắk Lắk lúc bấy giờ là đồn điền “CADA” - Công ty Nông nghiệp Á Châu của Pháp (viết tắt của cụm từ “Compagnie Agricole D’Asie”), ra đời năm 1922 với diện tích khoảng 1.800 ha, nằm ven Quốc lộ 21 (nay là Quốc lộ 26, CADA nằm trên địa bàn xã Ea Yông, huyện Krông Pắc)…. Quá trình khai thác mạnh nhất của đồn điền CADA bắt đầu từ những năm 1925 đến 1934. Năm 1925, toàn tỉnh có 1.000 công nhân, nhưng đến năm 1932, chỉ riêng đồn điền CADA đã có gần 1.000 công nhân chuyên nghiệp. Đầu năm 1940, ở Đắk Lắk có khoảng 7.000 công nhân thường trực làm việc ở các đồn điền lớn, làm đường giao thông và hàng ngàn công nhân ở các buôn làng đi làm theo chế độ công nhật.

Đồn điền lớn lần lượt xuất hiện và ngày càng mở rộng, kéo theo tuyển mộ công nhân lao động và chế độ bắt xâu ngày càng khắc nghiệt và tàn bạo. Ban đầu hầu hết là nhân công ở các tỉnh miền xuôi từ Phú Yên đến Quảng Trị, về sau chủ yếu dựa vào nguồn tại chỗ chiếm 70% với nguồn nhân lực rẻ mạt. Thực dân Pháp bằng những thủ đoạn vơ vét cạn kiệt nguồn tài nguyên, cướp đoạt đất đai, bóc lột sức lao động đến tận xương tủy nhưng chỉ trả những đồng lương rẻ mạt,… bần cùng hóa người dân và đẩy công nhân tại các đồn điền khác của Pháp ở Việt Nam, trong đó có công nhân ở CADA rơi vào cảnh khốn cùng.

Bọn chủ Pháp bóc lột công nhân bằng cách trả công rẻ mạt thông qua các Chánh tổng - người quyết định tiền công và số lượng công nhân cho đồn điền, miễn sao đủ số người đi làm cho chủ. Bằng cách này, bọn chủ Pháp tránh được áp lực trực tiếp và sự bất bình của công nhân, biến những Chánh tổng thành tay sai đắc lực cho việc bóc lột công nhân. Ngoài ra, Chánh tổng còn bày ra nhiều chiêu trò, thủ đoạn rượu cồn, thuốc phiện, bài bạc... nhằm vét hết đồng lương ít ỏi của công nhân. Công nhân lao động trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn về thuốc men chữa bệnh, ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm, nợ nần chồng chất đã biến người công nhân không khác gì nô lệ.

Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”, đồng bào các dân tộc trong tỉnh nổi dậy, tạo ra hàng loạt các phong trào chống lại áp bức bóc lột của thực dân, điển hình là phong trào của Tù trưởng Ama Shao (1889 - 1905); phong trào của Thầy giáo Y Jut Niê, Y Ut H’Wing (1925 - 1926); phong trào Nơ Trang Lơng (1912 - 1935), nhưng vẫn bị thực dân Pháp dập tắt do không tương quan về lực lượng, vật chất và điểm chốt nhất là đấu tranh tự phát, thiếu một đường lối chính trị, một phương hướng lãnh đạo, một phương thức đấu tranh đúng đắn.

Năm 1930, khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ, chiếm đa số trong đội ngũ công nhân Đắk Lắk là lực lượng công nhân của các đồn điền. Trải qua những cuộc đấu tranh sôi nổi và mạnh mẽ, với bản chất cách mạng của mình, đội ngũ công nhân ở các đồn điền đã không ngừng đứng lên đấu tranh để tự giải phóng liên tục từ những năm 1927, 1933, 1935, 1940.

Năm 1927: Công nhân đồn điền Maillot đã cùng dân làng đến nhà tên chủ sở, ném đá đòi chủ sở phải về nước, buộc tên chủ sở phải nhượng bộ, hứa cải thiện đời sống cho công nhân.

Năm 1933: Ở đồn điền CHPI, anh em công nhân đã trói tên cai quản vào gốc cao su và tổ chức đông đảo công nhân đến tố cáo, vạch tội ác, tội quỵt lương, phạt vạ của hắn, đòi đem tên cai quản đi xử tội…

Năm 1935: Tại công trường làm cầu Krông Buk đã nổ ra cuộc đấu tranh của công nhân chống lại tên Đốc công Y Blum hách dịch và tàn ác. Trước áp lực đoàn kết của đông đảo công nhân và bà con các dân tộc, tên Đốc công đã phải bỏ thói hống hách, và hơn thế nữa về sau tên này còn có những việc làm có lợi cho anh em công nhân.

Tháng 2/1940: Tại đồn điền CADA, công nhân đồn điền đã đình công liên tục trong 10 ngày giữa mùa thu hoạch cà phê, với yêu sách đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện đời sống, chữa bệnh, phòng hộ lao động...; đồng thời viết đơn tố cáo gửi lên Công Sứ Buôn Ma Thuột, Tòa Khâm sứ Trung kỳ ở Huế và Bộ Kinh tế Nam triều. Hoảng sợ trước sức mạnh của công nhân và quy mô của phong trào, Công Sứ Buôn Ma Thuột phải xuống tận nơi “thăm hỏi công nhân” và hứa sẽ giải quyết yêu sách đưa ra.  

Những cuộc đấu tranh đó làm cho bọn đốc công, cai ký không dám ra mặt, coi khinh công nhân nữa. Phong trào đấu tranh của công nhân ngày càng lan rộng, được đồng bào khắp nơi ủng hộ. Thắng lợi từ cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền CADA ảnh hưởng trực tiếp tới công nhân các đồn điền khác dọc theo trục Đường 14 và Đường 21, khiến cho bọn chủ sở hết sức lo sợ và lúng túng.


Cuối năm 1940, Chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam thành lập tại Nhà đày Buôn Ma Thuột do đồng chí Trần Hữu Dực làm Bí thư. Từ đây, Chi bộ nhà đày đã xây dựng được những cơ sở trong đồn lính khố xanh, thành lập một số tổ chức bán hợp pháp để hoạt động lan tỏa khắp các đồn điền, mạnh nhất là đồn điền CADA.



Uỷ ban Hành chính kháng chiến Đắk Lắk tại khu rừng CADA năm 1946


Cuối năm 1944, Hội Truyền bá Quốc ngữ được thành lập tại đồn điền CADA đã góp phần tập hợp, giác ngộ được nhiều quần chúng đi vào con đường cách mạng.

Đêm ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, các chủ đồn điền được thay thế bằng người Việt - là những người được tù chính trị Nhà đày kèm cặp, nên các tổ chức Việt Minh được thành lập mà không bị cản trở, tạo cơ hội cho chúng ta phát động phong trào kháng Nhật cứu nước. Cùng đó, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh thành lập, đồng chí Phan Kiệm làm trưởng Ban phụ trách Binh vận Đồn điền - Nông thôn, kiêm Chủ nhiệm Việt Minh, đồn điền CADA, được chọn là nơi huấn luyện, tập hợp lực lượng chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa toàn tỉnh cướp chính quyền và là hậu cứ tiếp tục chiến đấu nếu chưa thành công. 


Tháng 4/1945, Chi bộ Đảng đầu tiên ra đời ở đồn điền CADA do đồng chí Nguyễn Trọng Ba phụ trách. Từ đây, các tổ chức bí mật được thành lập trong đó có Đội Tự vệ CADA. Đội Tự vệ CADA lúc đầu gồm 36 người, trong đó nòng cốt có các đồng chí: Nguyễn Tâm Thu, Trần Phòng, Trần Thử, Trần Cối, Mai Nguyên, Trần Dụ, Trần Thị Thuỷ, anh Bộ…, do đồng chí Nguyễn Tâm Thu và Trần Phòng phụ trách. Đây là Lực lượng Tự vệ Vũ trang cách mạng đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk và cũng là của công nhân Đắk Lắk được Đảng tổ chức và lãnh đạo.



Thành viên của Ban Chỉ huy Mặt trận CADA

 

Tối ngày 18/8/1945, tại đồn điền CADA, đồng chí Phan Kiệm đại diện Việt Minh công bố mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương và Tổng bộ Việt Minh đối với cả nước, tuyên bố lệnh khởi nghĩa của Việt Minh Đắk Lắk, xoá bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền mới, đồng chí phát biểu:“Hiện nay dân tộc Việt Nam ta chưa phải đã được độc lập, tự do. Cả Đông Dương còn là một nhà tù lớn. Chúng ta còn phải đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa nhằm đánh đuổi cho hết bọn phát xít Nhật, thực dân pháp, khi đó chúng ta mới có độc lập tự do thực sự”



Sân đồn điền CADA- Nơi công nhân đồn điền CADA tập trung dự Lễ Mít tinh giành chính quyền vào tối ngày 18/8/1945

 

Sự kiện này cho thấy Tỉnh bộ Việt Minh Đắk Lắk bước đầu xây dựng cơ sở cách mạng đầu tiên trong đội ngũ công nhân tỉnh, lấy đó làm bàn đạp chuẩn bị giành chính quyền trong tỉnh mà trước mắt là cướp chính quyền tại thị xã Buôn Ma Thuột.



Lễ ra mắt Lực lượng Dân quân tự vệ của Nông trường Cà phê Tháng 10 (năm 1989)


Từ một đồn điền của thực dân Pháp, CADA đã trở thành cơ sở cách mạng và cũng chính nơi đây, những đảng viên cộng sản đã vận động lực lượng công nhân tham gia vào cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Đắk Lắk, góp phần nhất định vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Với những ý nghĩa lịch sử to lớn đó, ngày 26/01/1999, đồn điền CADA vinh dự được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Hương Nhàn - Lê Phương