NHỮNG CÁNH THƯ TAY ĐONG ĐẦY TÌNH CẢM NGƯỜI LÍNH ĐƯỢC LƯU GIỮ TẠI BẢO TÀNG ĐẮK LẮK

Đã có một thời thư tay là phương tiện duy nhất, kết nối và chia sẻ thông tin, thể hiện tình cảm giữa con người với con người. Trong chiến tranh, những cánh thư đã giúp người lính vững chắc tay súng, sưởi ấm niềm tin, kịp thời động viên, an ủi gia đình, người yêu và bạn bè nơi quê nhà. Hòa bình lập lại những lá thư đã giúp họ thể hiện sự tri ân, gắn bó với cơ sở nuôi giấu cách mạng.

Những bức thư viết vội, xé vội từ một trang vở hay cuốn sổ, tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng thấm đượm tình cảm của người lính. Có những cánh thư được gửi đến địa chỉ của người nhận, nhưng cũng có những bức thư người lính mang theo bên mình chờ cơ hội gửi vì điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh. Trên tất cả, thư tay đã truyền tải những xúc cảm chân thành của những người dùng “cái đầu lạnh” khi chiến đấu và trái tim ấm nóng luôn hướng về mọi người, vì lý tưởng cách mạng, vì tình yêu với quê hương, gia đình.


Tại Bảo tàng Đắk Lắk, số lượng thư tay tuy không nhiều nhưng phía sau đó là bao câu chuyện cảm động.


Thư ném tàu: Bức thư được người lính viết vội trên đường hành quân, chuẩn bị lên tàu để ra chiến trường, lúc viết xong thì tàu bắt đầu chuyển bánh, anh liền ném lá thư xuống. Chiến tranh kết thúc, người lính trở về và vô cùng bất ngờ khi lá thư dù không qua hòm thư, bưu cục nhưng vẫn được chuyển tới cho gia đình, động viên kịp thời cha mẹ già và những người thân yêu: “con đi chiến đấu tuy có nhiều gian khổ và hy sinh nhưng sẽ có ngày gặp lại thầy mẹ và gia đình”, “em đi chiến đấu không hẹn ngày về nhưng tin tưởng nhất định sẽ có ngày sum họp”.

Bức thư ném tàu của ông Lê Lân, thành phố Buôn Ma Thuột


Thư tình thời chiến: Được viết vào những thời điểm khác nhau (năm 1971, 1974) của một anh bộ đội và cô y tá quân y. Theo lời kể của chủ hiện vật: sau một trận đánh, ông bị thương phải chuyển ra Quảng Ngãi điều trị, tại đây ông được bà – một y tá quân y có “khuôn mặt hiền hậu, thật thà, chân thành, khiêm tốn, dễ thương và biết đối xử” chăm sóc tận tình, sau đó giữa hai người đã nảy sinh tình cảm. Khi vết thương và sức khỏe đã ổn định, ông trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu, vì chiến tranh ác liệt, đơn vị lại đóng quân trong rừng sâu nên ông chỉ viết thư mỗi khi có thời gian rảnh, lưu giữ bên mình chờ đến ngày gặp mặt mới đưa cho bà.


Những cánh thư chứa đựng cảm xúc nhớ thương da diết lúc nào cũng được mở đầu bằng: “Em trăm ngàn thương, yêu quý mãi mãi của anh”, cùng những lời động viên thiết thực “Năm năm chúng mình yêu nhau trong khói lửa chiến trường, bao nỗi khó khăn gian khổ cách trở, năm năm chưa hề ở với nhau trọn một ngày,... thiệt thòi là thế nhưng cả hai đứa mình không bao giờ kêu ca phàn nàn nhau về chuyện ấy đâu em nhỉ”, kết thúc là niềm tin “anh sẽ đưa em về”, “chúng mình sẽ kết thúc năm năm yêu nhau để chuyển sang một giai đoạn mới - tình vợ chồng”

Thư tình của ông Nguyễn Hoàng Sơn và bà Nguyễn Thị Đội, thành phố Buôn Ma Thuột


Thư của chiến sỹ gửi cho cơ sở nuôi giấu cách mạng: Cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính vì lẽ đó mà lực lượng cách mạng luôn nhận được sự ủng hộ về nhân lực, vật lực của quần chúng nhân dân và trong những thời khắc khó khăn, người dân đã kề vai sát cánh, bao bọc, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Tình cảm giữa quân với dân được thể hiện sâu đậm qua cánh thư mà ở đó người chiến sỹ gọi cơ sở nuôi giấu mình là “ba má”, “anh chị” bởi “vì đối với tôi gia đình anh chị là ân nhân đấy, ngoài sự gắn bó thân thiết, nhiều hơn nữa là sự hy sinh thân mình để cứu đồng chí”.

Thư của chiến sỹ Lê Vĩnh gửi cho gia đình bà Mười Ký, một cơ sở cách mạng ở Buôn Ma Thuột


Mỗi cánh thư là một câu chuyện, gửi gắm nhiều thông điệp, có sức lan tỏa tích cực trong cộng đồng, với ý nghĩa đó, Bảo tàng Đắk Lắk mong muốn được tiếp nhận thật nhiều lá thư từ các tổ chức, cá nhân để làm phong phú thêm bộ sưu tập hiện vật, phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày, phục vụ công chúng.

GD&TT