NHIỀU KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC TRONG CÔNG TÁC SƯU TẦM Ở BẢO TÀNG CÔNG LẬP

Sưu tầm tư liệu, hiện vật có vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Bảo tàng, có thể được xem là khâu tiền đề và xuyên suốt cho toàn bộ hoạt động của Bảo tàng, gắn liền với các khâu công tác khác tạo thành một thể thống nhất hoàn chỉnh nhằm đảm bảo cho Bảo tàng ra đời, tồn tại và phát triển. Như một quy luật tất yếu - không có tư liệu, hiện vật thì không thể xây dựng được Bảo tàng.

Phòng Sưu tầm và Trưng bày của Bảo tàng Đắk Lắk có nhiệm vụ: Tổ chức sưu tầm, tư liệu hóa hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể; nghiên cứu triển khai đề tài các cấp, các chương trình, dự án – đề án ngắn hạn, dài hạn và một số công việc khác liên quan đến hoạt động Bảo tàng theo sự phân công của Ban Giám đốc. Ngoài ra, còn sưu tầm ảnh tư liệu và các tài liệu hỗ trợ khác, góp phần vào công tác trưng bày, giáo dục truyền thống.



Bà H’Yim Kđoh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk chủ trì cuộc họp của Hội đồng thẩm định mua hiện vật, ngày 28/5/2019, tại Bảo tàng Đắk Lắk


Trong gần 10 năm qua, Bảo tàng Đắk Lắk đã được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh như một thiết chế văn hóa đặc thù. Nhận thức được vai trò và trách nhiệm, những người làm công tác Bảo tàng đã định ra cho mình một hướng đi đúng về công tác sưu tầm. Người cán bộ sưu tầm ngoài nắm vững chuyên môn nghiệp vụ cần có kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục, thương lượng của một nhà ngoại giao văn hóa. Qua thực tế chứng minh rất nhiều hiện vật thu thập được cho các Bảo tàng xuất phát từ mối quan hệ tốt đẹp của người sưu tầm với người sở hữu hiện vật trong địa phương. Những mối quan hệ mà người làm công tác sưu tầm dày công xây dựng từ những ứng xử cá nhân. Tuy nhiên, những năm gần đây, vì nhiều lý do khác nhau, những người làm công tác này đành nuối tiếc để những hiện vật rơi vào tay những nhà sưu tầm tư nhân hoặc tìm đường ra nước ngoài.




Hội đồng khoa học đánh giá về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của từng hiện vật của nghệ nhân Võ Văn Hải


Công tác sưu tầm hiện vật hiện nay đã đặt ra không ít khó khăn cho những người làm công tác Bảo tàng. Một trong những trở ngại lớn đó là sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà sưu tầm tư nhân trong và ngoài nước với Bảo tàng công lập để sở hữu hiện vật.


Viên chức thực hiện công tác sưu tầm đi cơ sở, điền dã tốn rất nhiều thời gian, công sức để điều tra, khảo sát, thu thập thông tin những hiện vật dự kiến mua. Sau khi thỏa thuận thời gian và giá cả, những người làm công tác sưu tầm về cơ quan làm thủ tục, lập danh mục về báo cáo Hội đồng khoa học của Bảo tàng quyết định và khi quay lại để tiếp nhận thì chủ nhân đã bán hiện vật cho người khác. Do đó, sau nhiều lần thương thảo, Bảo tàng không thể sở hữu được hiện vật quý và cần thiết cho công tác trưng bày.


Khi tìm hiểu câu chuyện mới biết rõ có những nhà sưu tập tư nhân sẵn kinh phí, kinh nghiệm và vốn hiểu biết đã mua hiện vật đó với giá gấp 5, 7 lần giá Bảo tàng thương thảo. Sự việc này cho thấy vấn đề sưu tầm hiện vật Bảo tàng hiện nay không chỉ đơn thuần là phát hiện, vận động chủ nhân hiến tặng, hay bán hiện vật cho Bảo tàng mà là sự cạnh tranh, đong, đo, đếm quyết liệt bằng vật chất, tiền bạc. Cá nhân hay tổ chức nào nhiều tiền hơn, hiện vật sẽ thuộc về người đó.


Mặt khác, các thủ tục theo quy định của thông tư 11/2013/TT-BVHTTDL Bảo tàng công lập phải thực hiện đầy đủ các bước từ: 1.Tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập thông tin những hiện vật dự kiến mua; 2. Tiến hành thương thảo; 3. Lập danh mục; 4. Lập kế hoạch mua trình giám đốc hay cấp có thẩm quyền phê duyệt; 5. Trình hội đồng khoa học và hội đồng thẩm định cấp tỉnh (nếu hiện vật có giá trị cao) thẩm định. Thời gian thực hiện quy trình rất lâu, có khi mất vài hàng tháng, chủ hiện vật không thể chờ phản hồi từ phía bảo tàng. Bên cạnh đó, khi thanh toán, Bảo tàng chỉ được phép ký hợp đồng và chuyển khoản còn các nhà sưu tập tư nhân hoàn toàn không cần những bước thủ tục đó. Như lẽ tất nhiên, những hiện vật có giá trị sẽ không thuộc về Bảo tàng.


Có một thực tế, hiện nay, hầu hết các hiện vật có giá trị đều thuộc sở hữu của các nhà sưu tập tư nhân. Bảo tàng công lập muốn sở hữu phải mua lại với giá rất cao, thậm chí cao hơn kinh phí được cấp hàng năm rất nhiều. Do đó, việc Bảo tàng sở hữu được các hiện vật giá trị đó là điểu không thể.


Công tác vận động quần chúng hiến tặng, đóng góp hiện vật cho bảo tàng hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn. Nền kinh tế thị trường đã tạo ra cho người giữ hiện vật quan tâm đến lợi ích kinh tế hơn là ý nghĩa lịch sử của chính bản thân hiện vật, từ đó viên chức bảo tàng không dễ vận động thuyết phục để họ hiến tặng mà không có chế độ, chính sách bồi dưỡng thích đáng đối với công sức người lưu giữ hiện vật.


Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ sưu tầm trong nhiều năm, với lòng say mê nghề nghiệp, các thế hệ của Bảo tàng Đắk Lắk đã góp phần làm sống lại những giá trị lịch sử, văn hóa của tỉnh nhà, phát huy, tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Bảo tàng Đắk Lắk còn là địa chỉ và là điểm đến cho mọi tầng lớp nhân dân và du khách trong ngoài tỉnh và cả khách nước ngoài tham quan, học tập và nghiên cứu.


Hiện nay, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tham gia hội nhập quốc tế đã tạo cho nền kinh tế Việt Nam có được bước phát triển đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nhưng mặt trái là những giá trị văn hoá truyền thống cũng theo đó mà phai mờ. Rất mong các đơn vị có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đầu tư kinh phí, nhân lực và các chế độ chính sách, thủ tục hợp lý tạo điều kiện tốt nhất cho công tác sưu tầm, bảo quản và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống trong sự nghiệp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.





Ama Nô