NHÀ DÀI TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI ÊĐÊ

Trong xã hội cổ truyền của người Êđê, nhà dài là một công trình văn hóa độc đáo. Nó là sản phẩm tiêu biểu của tổ chức công xã thị tộc nhằm thích ứng với môi trường thiên nhiên, tránh thiên tai, thú dữ và bảo vệ sự sống của các thành viên trong cộng đồng, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của đồng bào.

Nhà dài truyền thống của người Êđê là một phức hợp không gian kiến trúc độc đáo, thể hiện nét đặc trưng trong đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng - tâm linh, một công trình sáng tạo văn hóa vật chất ấn tượng của tộc người này. Trong xã hội cổ truyền của người Êđê, nhà dài là nơi chung sống của đại gia đình theo chế độ mẫu hệ. Ngôi nhà thường xuyên được nối dài mỗi khi một thành viên nữ trong đại gia đình xây dựng gia thất. Người con trai lấy vợ sẽ đến ở nhà vợ và không có quyền hành gì. Thông thường ngôi nhà dài của đồng bào dân tộc Êđê có từ 7 - 9 cặp vợ chồng chung sống.
Trong ngôi nhà dài truyền thống, các giá trị điêu khắc, trang trí, tạo hình đều phỏng theo mô típ chế độ mẫu hệ, tín ngưỡng phồn thực. Không gian nhà dài bố trí ghế Kpan ngồi đánh chiêng, bếp lửa sinh hoạt; bài trí các sản vật trên rừng dưới nước thể hiện sự giàu có như: chiêng, ché, sừng trâu, ba ba, kỳ đà, …
Theo Ama Dít, Trưởng buôn Akŏ Dhŏng, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột nguyên vật liệu làm nên ngôi nhà dài truyền thống của người Êđê chủ yếu bằng gỗ, tre, nứa, mái tranh. Kết cấu của nhà là cột kèo bằng gỗ tốt có sức chịu đựng dãi dầu mưa nắng. Nhà được thưng vách và lót sàn bằng phên nứa, mái lợp cỏ tranh, đỉnh mái cách sàn nhà khoảng 4m - 5m, lòng nhà rộng khoảng 4,5m - 5,5m, ngôi nhà tọa lạc hướng Bắc - Nam.
Bố cục nhà dài chia làm 2 phần: nửa phía trước gọi là “Gah” chứa các vật dụng như ghế chủ, ghế khách, bếp chủ, ghế dài Kpan, cồng chiêng và là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung trong gia đình. Nửa phía sau là “Ôk” là chỗ ở của các đôi vợ chồng, đặt bếp nấu ăn chung. Phía trước cửa nhà của người Êđê có 2 cầu thang, một dành cho khách và một dành cho người nhà khi lên xuống, mỗi cầu thang có khoảng 5 - 7 bậc, làm bằng gỗ có độ bền cao, được đẽo bằng tay và thường được trang trí bằng hình hai nhũ hoa và hình mặt trăng khuyết.
Ama Dít cho biết: “Từ thời xa xưa cha ông chúng tôi đã làm những cái nhà sàn để ở và tránh thú dữ. Nó đã gắn với đời sống sinh hoạt của người Êđê. Ngày xưa buôn Akŏ Dhŏng có nhiều nhà dài lắm nhưng bây giờ thì còn khoảng 20 cái nhà. Hiện nay nhà dài trong buôn đã xuống cấp rất nhiều. Buôn cũng muốn duy trì lắm. Nhưng chủ yếu là những hộ nào có tâm huyết nhất thì người ta còn duy trì được chứ nhiều hộ thì đã bỏ bê, không muốn bỏ tiền ra trùng tu vì sợ phí tiền. Gỗ bây giờ rất đắt, mà cũng không có gỗ để mua. Các thế hệ sau họ nhận thấy độ bền của nhà sàn không bằng nhà xây và với chi phí như bây giờ thì làm nhà sàn cũng không kém nhà xây, có đôi lúc còn đắt hơn, bởi vì cây cối như ngày xưa thì đủ tuổi mới khai thác, bây giờ cây toàn gỗ tạp không thì chỉ được 5-10 năm là sẽ hư hỏng. Nhiều người cũng đã chuyển sang nhà xây…”
Hiện nay ở Đắk Lắk, những căn nhà dài truyền thống đang dần bị thay thế bằng những ngôi nhà xây, chỉ còn lại một số ít buôn làng còn giữ lại một số ngôi nhà dài. Tuy vậy, hình dáng ngôi nhà dài đã được thay đổi khá nhiều: cả chiều rộng, chiều dài, cầu thang và cách bài trí trong nhà không còn giữ được nét truyền thống như xưa nữa, một số ít ngôi nhà dài cũ với kiến trúc truyền thống thì đang ngày một xuống cấp. Theo đánh giá của một số người cao tuổi nếu như những nhà dài dần bị mai một thì việc giữ gìn những giá trị truyền thống của các buôn làng sẽ bị ảnh hưởng và gặp khó khăn rất lớn. Các thế hệ sau sẽ không thể hình dung ra được ông bà mình sống, sinh hoạt như thế nào. Thiết nghĩ, nhà nước cần có những chính sách quan tâm nhằm sớm bảo tồn, giữ gìn một công trình văn hóa đặc biệt của đồng bào Êđê.

Nhà dài truyền thống của người Êđê

Bên trong ngôi nhà dài

Khung nhà sàn dài…

Nhà dài được xây khang trang

Phòng Truyền thông