NGHỀ DỆT CHIẾU CỦA NGƯỜI ÊĐÊ BIH, HUYỆN KRÔNG ANA

Nghề dệt chiếu của người Êđê Bih không biết có tự bao giờ, nhưng thói quen sử dụng chiếu để nằm hoặc ngồi tiếp khách của người Ê đê đã có từ lâu đời.

Với bàn tay khéo léo của người thợ, những chiếc chiếu vừa dày, đẹp, bền chắc, vừa thoáng nhẹ và mát dịu khi trời nóng bức, lại ấm áp khi gió lạnh về. Chiếu của người Êđê Bih thường để trơn, thể hiện kỹ thuật dệt tài tình, độc đáo và khác biệt ở cách tạo dày nhấn vào hai đường biên giống lối dệt khố, kết mép và bỏ tua ở hai đầu. Sản phẩm luôn được người dân trong vùng ưa chuộng và được trao đổi với các khu vực lân cận.


Sử dụng nguyên liệu tự nhiên sẵn có ở vùng trũng Krông Ana, Lắk, đó là những cây cói nước ngọt mọc nhiều ở các đầm, sình lầy. Việc dệt chiếu thường tiến hành vào thời kỳ nông nhàn, quy trình dệt gồm các công đoạn:


Chuẩn bị nguyên liệu: sau khi nhổ cói, người ta lựa chọn những sợi phù hợp, tước cói làm đôi, đem phơi và bảo quản. Sau đó, lấy vỏ cây kyâo phir từng đoạn dài 2-3cm về ngâm một tuần ở suối, rũ sạch lấy tơ xe thành sợi và cuộn lại thành các quả lớn.



Nguyên liệu để dệt chiếu


Dệt chiếu: đầu tiên người ta mắc sợi vào go và hai đoạn cây ở hai đầu go để cố định chiều dài của chiếu, sau đó buộc hai đoạn cây vào bốn cọc cho thật căng. Việc dệt chiếu bao giờ cũng phải có hai người, một người giữ nâng go lên và hạ xuống dập sợi cho tấm dệt dày chắc, một người dùng que luồn sợi tuần tự theo nhịp lên xuống của go. Với kiểu dệt này hai người một ngày sẽ dệt được khoảng sáu chiếc chiếu. Dệt xong kết mép và bỏ tua ở hai đầu, cắt bỏ những phần dư thừa là hoàn chỉnh một chiếc chiếu.



Khung dệt chiếu của người Ê đê Bih trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk


Không gian trưng bày Nghề thủ công truyền thống của Bảo tàng Đắk Lắk luôn thu hút sự quan tâm tìm hiểu của du khách. Trong bối cảnh một số nghề thủ công truyền thống đang dần bị mai một, Bảo tàng Đắk Lắk luôn là địa chỉ tin cậy, lưu giữ và bảo tồn những giá trị truyền thống, giới thiệu cho du khách nét độc đáo, riêng biệt của các nghề thủ công truyền thống tại địa phương.





GDTT