HIỆN VẬT CỦA ĐỘI THANH NIÊN XUNG KÍCH TIỀN TRẠM TỈNH THÁI BÌNH TRONG NHỮNG NGÀY ĐẦU XÂY DỰNG KINH TẾ MỚI TẠI HUYỆN EA SÚP

Bảo tàng Đắk Lắk hiện đang lưu giữ những hiện vật của đội thanh niên xung kích tiền trạm tỉnh Thái Bình trong những ngày đầu xây dựng vùng kinh tế mới huyện Ea Súp, mỗi hiện vật là một câu chuyện ý nghĩa thể hiện ý chí, nghị lực và quyết tâm xây dựng vùng đất mới, đúng với tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Ngày 24/9/1977, Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập “Ban chỉ đạo xây dựng vùng kinh tế mới huyện Ea Súp” và chuẩn bị những điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất đón tiếp 10.000 đồng bào từ tỉnh Thái Bình đến xây dựng kinh tế mới, địa điểm tổ chức đón tiếp là đồn Mê Wan (nay thuộc huyện Cư Mgar).


Theo lời kể của ông Nguyễn Công Huân, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Ea Súp: Tháng 7/1977, huyện Ea Súp chính thức được thành lập. Theo tiếng gọi của Đảng, gần 1.600 đảng viên, đoàn viên xung kích của Thái Bình đã lần lượt có mặt ở Đắk Lắk làm nhiệm vụ tiền trạm, thực chất là vừa chiến đấu chống FULRO vừa khai hoang, xây dựng cơ sở bước đầu để tiếp nhận nhân dân đến xây dựng kinh tế mới.


Tháng 10/1978, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc này là Phó Thủ tướng chính phủ đến thăm và làm việc tại tỉnh Đắk Lắk, Đại tướng dự kiến đi thăm hỏi, động viên cán bộ, đảng viên, đoàn thanh niên tiền trạm Thái Bình ở vùng kinh tế mới huyện Ea Súp nhưng vì một số lý do nên không thực hiện được.


Ngày 28/10/1978, nhân dịp đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp cùng một số đồng chí lãnh đạo tỉnh và đoàn cán bộ quy hoạch đi Ea Súp làm việc, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã viết một lá thư gửi qua đồng chí Trìu. Trước toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn thanh niên xung kích tiền trạm Thái Bình, đồng chí Trìu đã đọc bức thư cho mọi người cùng nghe. Bức thư như nguồn sức mạnh cổ vũ, khích lệ anh chị em quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đón nhận và lưu giữ bức thư làm kỷ niệm, các anh chị em trong đội nâng niu, trân trọng, bởi đó là nguồn động viên tinh thần, “liều thuốc bổ” để giải quyết vấn đề mỗi khi gặp khó khăn, trắc trở.

Bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đội thanh niên xung kích tiền trạm Thái Bình


KHUNG KHẨU HIỆU: Do ông Nguyễn Trọng Hải, công tác tại ban chỉ đạo xây dựng kinh tế mới huyện Ea Súp giao lại cho Bảo tàng Đắk Lắk lưu giữ ngày 24/8/1989.


Ông Hải cho biết: ngay từ những ngày đầu ra quân khai hoang xây dựng kinh tế mới tại huyện Ea Súp, tổng đội thanh niên xung kích Thái Bình gặp khó khăn, vất vả về mọi mặt. Một số nam nữ thanh niên đã bỏ ngũ trở về quê hương hoặc tìm đến những nơi an nhàn hơn. Trước những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua nổi, cán bộ Trung đoàn và nam, nữ thanh niên đã đề ra những nghị quyết, chỉ thị và khẩu hiệu tạo nên lòng quyết tâm của toàn công trường, động viên anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Khung khẩu hiệu có dạng hình chữ nhật, nội dung được vẽ, trang trí bằng sơn màu xanh, đỏ, vàng trên nền tấm kim loại màu trắng, đó là những chỉ tiêu thi đua được thể hiện bằng những những mũi tên với các số 20 – 26 – 30 biểu thị quyết tâm giành ngày công cao nhất (từ 20 lên 26 rồi lên 30 công). Phía dưới ghi chữ “Vùi kém xuống đất, hất khá ra bên, kiên quyết tiến lên, giành công cao nhất”.


LOA TRUYỀN THANH: là một trong những phương tiện truyền thanh, tuyên truyền của bộ phận văn hóa thông tin thuộc tổng đội thanh niên tiền trạm Thái Bình sử dụng để đưa tin tức thời sự và thông báo những thành tích hoạt động của tổng đội thanh niên nhằm động viên, khích lệ thanh niên hăng say sản xuất, thi đua hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao. Ngoài ra, loa còn sử dụng trong việc phổ biến các đường lối, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đến với vùng đồng bào kinh tế mới.

LƯỠI CÀY của đội Thanh niên tiền trạm huyện Vũ Thư, Thái Bình trang bị khi vào khai hoang vùng kinh tế mới Ea Súp, sử dụng vào việc cày ruộng từ những năm 1977 – 1980.

CÁN CÂN dùng để cân gạo nấu ăn hàng ngày và định lượng năng suất thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, lưỡi mai đào đất, cuốc, dao,… là những dụng cụ không thể thiếu để chặt cây, cuốc đất, khai hoang, làm thủy lợi.





Với tinh thần tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, thi đua sản xuất, phát triển kinh tế, đội thanh niên xung kích tiền trạm Thái Bình đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng kinh tế mới tại huyện Ea Súp nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung, tạo tiền đề để nhân dân ở vùng kinh tế mới sớm đi vào ổn định, sản xuất phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, góp phần vào thành tựu chung của tỉnh.







GD&TT