DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỊA ĐIỂM CHIẾN THẮNG ĐÈO CƯ DJRÊ, XÃ EA RAL, HUYỆN EA H’LEO, TỈNH ĐẮK LẮK

Ea H’Leo là địa danh có bề dày truyền thống lịch sử lâu đời, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Là một trong những địa bàn có phong trào cách mạng phát triển sớm của tỉnh, với nhiều căn cứ địa vững chắc như Cư Djrê, Cư Jú, Cư Kung, Dliê Yang và hàng chục buôn làng đã tham gia đóng góp sức người, sức của cho cách mạng.

Đèo Cư Djrê thuộc địa phận xã Ea Ral, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk là một vị trí nằm trên quốc lộ 14, giữa Pleiku và Buôn Ma Thuột, đoạn đường đèo dài hơn 3 km nhưng uốn lượn quanh co giữa núi cao và vực thẳm. Với địa thế hiểm trở và có tầm chiến lược nên trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), quân và dân ta đã lập các phòng tuyến chốt chặn, không cho quân địch tiến đánh Bắc Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải Trung Bộ vào đầu năm 1946. Cũng tại đèo Cư Djrê, tháng 7/1954 quân ta đã tổ chức trận đánh phục kích và đã tiêu diệt toàn bộ quân Pháp rút chạy từ Pleiku về cố thủ Buôn Ma Thuột, tạo thuận lợi cho quân và dân ta đánh thắng quân xâm lược Pháp, giải phóng hoàn toàn Đắk Lắk và Tây Nguyên năm 1954. Di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Đèo Cư Djrê cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 94 km về hướng Bắc trên Quốc lộ 14.

Ngày 21/6/1946, địch ở Đắk Lắk tập trung bộ binh cơ giới, pháo binh và máy bay từ nhiều phía tấn công ồ ạt vào phòng tuyến Km52. Bộ đội Hùng Việt đã anh dũng chiến đấu chống trả các cuộc tiến công trên bộ và trên không của chúng, song do quá chênh lệch về lực lượng, quân ta vừa đánh vừa rút về phía sau, trụ lại tại đèo Cư Djrê cùng với Trung đoàn 67 (Đại đoàn 32) chiến đấu chống địch. Kết hợp với những trận đánh địch phía trước, quân ta đã phân ra nhiều tổ, đội nhỏ luồng sâu vào sau lưng địch, đánh gãy một cánh quân của địch ở Plai Tung - Thang, thu nhiều quân trang, quân dụng, làm rối loạn hàng ngũ của địch. Với cách đánh mưu trí và linh hoạt, quân ta đã gây cho địch nhiều thiệt hại, làm chậm bước tiến của chúng.

Đầu năm 1947, Chủ trương chấn chỉnh tổ chức kháng chiến trong vùng tạm bị chiếm được thực hiện, trong đó vùng Ea H’Leo là địa bàn quan trọng, hiểm trở nối với Tây Phú Yên và Tây Cheo Reo, vùng địch hậu rộng lớn Đắk Lắk, nơi có thể xây dựng và bảo toàn lực lượng kháng chiến cho cả tỉnh. Tháng 7/1947, theo Quyết định của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung bộ, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh được thành lập do đồng chí Ka Nơng Bun (Ama Khê) làm Chủ tịch. Đến đây, Đắk Lắk cơ bản đã khôi phục được các cơ quan, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo chủ chốt để lãnh đạo quân và dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh kháng chiến chống quân xâm lược Pháp.

Năm 1954, tại Mặt trận Tây Nguyên, Binh đoàn 41 của địch bị thiệt hại nặng, mãi đến ngày 30/6 mới về đến thị xã Pleiku. Theo tin địch, binh đoàn 42 bị thiệt hại 350 tên (chết, bị thương, mất tích). An Khê được giải phóng, đường 19 từ ngã ba 19 Bis hoàn toàn thuộc về ta; hầu hết tỉnh Gia Lai đã giải phóng, nối liền tỉnh Kon Tum phía Bắc và đến đường 7, đường 14 ở phía Nam. Quân Pháp buộc phải rút chạy về cố thủ Buôn Ma Thuột.  

Ngày 12/7/1954, dưới quyền chỉ huy của viên Đại tá Jaud - Binh đoàn cơ động 42 của Pháp vừa đặt chân tới đèo Cư Djrê liền dừng lại đóng thành từng cụm, xua lính địa phương cải trang, giả dân lùng sục sâu vào rừng để phát hiện ta. Biết được âm mưu của địch, ta bố trí lực lượng ở phía Tây Đường 14, không để địch phát hiện tiến đánh bất ngờ.

Khoảng 10 giờ sáng, ngày 17/7/1954, không thi gan được nữa, địch phải cho nhổ trại, chuẩn bị về Buôn Ma Thuột. Địch cho 2 xe Jeep chạy qua đèo, rồi quay lại để thăm dò. Chúng thấy vẫn yên tĩnh. Một giờ sau, đoàn xe mở hết tốc lực chạy về phía Nam. Bọn tuần tiễu bị Đại đội 212 tiêu diệt gọn. Thời cơ diệt địch đã đến, đúng 11giờ 45 phút, khi đoàn xe của địch chuẩn bị lăn bánh, quân ta với ba Tiểu đoàn 19, Tiểu đoàn 29, và Tiểu đoàn 50 thuộc Trung đoàn 108 quên cả đói rét, từ dốc cao tung lựu đạn, nhất tề xung phong ra mặt đường, mặt đối mặt với quân thù.

Đại đội 212, Tiểu đoàn 19 vừa xuất kích đến mặt đường đã bị hỏa lực của địch bắn, ta thương vong gần một trung đội. Không nao núng, anh em từ trên sườn đồi cao dùng lựu đạn ném vào các xe của địch, xuất kích bám sát các xe nằm dọc đường, xông thẳng bắn xả vào địch, lần lượt diệt hết địch trong phạm vi của đại đội. Số xe còn lại cố chen nhau, vượt lên nhưng không vượt qua được, trên đường xe địch ngổn ngang thành hai ba hàng. Đại đội 213 dùng Đại liên, Trung liên chiếm một số mỏm cao sát đường, bắn chế áp các hỏa lực của địch, chờ bộ binh xung phong, quyết diệt hết số xe lọt vào trận địa của đại đội. Phía Đại đội 211 chiến đấu cũng đang thuận lợi, hầu hết xe địch đã bị phá hủy, nhiều chiếc đang bốc cháy, bộ đội truy kích diệt một số xe ngoan cố chống cự. Máy bay địch lồng lộn nhắm bắn vào rừng phía Đông, không dám bắn vào khu vực đang chiến đấu. Gần 100 tên tù binh bị bắt đưa về  Sở Chỉ huy Trung đoàn.

Khoảng 14 giờ chiều trận chiến đấu kết thúc. Kết quả toàn trận: Đốt cháy 36 xe, tiêu diệt 300 tên, bắt sống hơn 200 và thu 26 xe. Trong trận này có nhiều tấm gương dũng cảm chiến đấu, không cho địch vượt qua.

Tiểu đoàn 29 làm nhiệm vụ đón lõng địch ở phía Đông đường, đối điện với Tiểu đoàn 19. Mặc dù đường dây liên lạc với Trung đoàn bị đứt, nhưng khi nghe Tiểu đoàn 19 nổ súng thì Tiểu đoàn 29 cũng kịp xung phong phối hợp. Hai Tiểu đoàn đã tiêu diệt gọn một đại đội, diệt tại chỗ gần 100 tên, bắt 20 tù binh, thu trên 30 súng các loại. Sau trận đánh, các tiểu đoàn chôn trên 200 xác địch, thu dọn chiến trường, cất giấu 26 xe suốt hai ngày đêm.

Trận phục kích đèo Cư Djrê là một trận chiến đấu có hiệu suất cao. Trung đoàn phải hành quân xa, trên 100km, riêng Tiểu đoàn 19 phải hành quân trên 300km, có ngày phải chịu đói khát, nhưng vẫn kiên trì khắc phục, mưu trí khôn khéo bố trí lực lượng giữ được bí mật, biết rút kinh nghiệm thủ đoạn nghi binh của địch mới tiêu diệt được, mặc dù phải trải qua gần 7 tháng chiến đấu, qua nhiều gian khổ ác liệt nhưng toàn Trung đoàn vẫn duy trì được tinh thần chiến đấu cao, tác phong khẩn trương, có lệnh là xuất kích, đói khát đều vượt qua, đã chiến đấu là chiến thắng, chiến thắng sau lớn hơn chiến thắng trước.

Trận chiến diễn ra quyết liệt và chỉ trong 3 tiếng đồng hồ ta đã làm chủ trận địa, tiêu diệt hết cụm quân rút lui của địch với hàng trăm tên, phá hủy hàng chục xe cơ giới của địch. Đường 14 từ Peiku về Buôn Ma Thuột bị khóa chặt. Đây là trận đánh có tiếng vang lớn đối với quân và dân Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, là trận đánh cuối cùng trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp trên chiến trường Đắk Lắk, làm nức lòng Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên.

Với khí thế chiến thắng của ta cũng như thất bại khắp các hướng của quân Pháp, buộc chúng phải rút chạy khỏi Buôn Ma Thuột, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp của quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk chính thức giành thắng lợi hoàn toàn.

Ngày nay, Di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng đèo Cư Djrê đã đi vào lịch sử cách mạng Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung như một mốc son chói lọi, gắn liền với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những sự kiện lịch sử diễn ra tại đèo Cư Djrê là minh chứng cho những hy sinh cao cả, một bản anh hùng ca về tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường, bất khuất để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, yêu độc lập tự do cho thế hệ trẻ huyện Ea H’Leo nói riêng và tỉnh Đắk Lắk, Tây Nguyên nói chung, thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong việc chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc thống nhất đất nước. Đồng thời, là bài học quý giá bổ sung cho kho tàng tư liệu chống giặc ngoại xâm của quân và dân cả nước.

Năm 2005, để tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng và hy sinh tại trận địa đèo Cư Djrê trong kháng chiến chống Pháp, tiêu biểu là phục kích quân Pháp rút chạy từ Pleiku về cố thủ Buôn Ma Thuột ngày 17/7/1954, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Ea H’leo đã xây dựng khu tượng đài với tên gọi: Đài tưởng niệm liệt sỹ đèo Cư Djrê.



Hằng năm, vào các ngày lễ lớn như: Ngày Giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước 30/4, Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, ngày Lễ, Tết và các đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của địa phương như: Đại hội Đảng bộ huyện, các kỳ họp Hội đồng nhân dân huyện, Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị cùng Nhân dân các dân tộc huyện Ea H’Leo đều tổ chức dâng hương tại Di tích để tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.


Với những sự kiện, nhân vật và giá trị văn hóa lịch sử nêu trên, ngày 11/9/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 1730/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử “Địa điểm chiến thắng đèo Cư Djrê, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk”. Di tích sẽ trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau nhằm gìn giữ, bảo tồn phát huy giá trị lịch sử của địa phương. Đồng thời, kết hợp với Di tích lịch sử Sở Chỉ huy - Nơi công bố Quyết định thành lập Quân đoàn 3 và các danh lam thắng cảnh, các điểm du lịch khác của huyện Ea H’Leo như Khu bảo tồn vườn Thủy Tùng, xã Ea Ral để tìm hiểu về cây Thông nước (Thủy Tùng), một hệ thực vật quý hiếm đang được bảo tồn tại Việt Nam và trên thế giới; Khu Du lịch sinh thái Ngọc Phụng tại thị trấn Ea Drăng; các Khu điện gió trên địa bàn huyện để phát triển du lịch.

 

Nguồn:

Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Lịch sử Trung đoàn 108 Liên khu 5, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk Đắk Lắk 1930 – 1954, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002.

Hà Phương