DI TÍCH LỊCH SỬ CHIẾN THẮNG TẠI ĐÈO M’DRẮK - PHƯỢNG HOÀNG NĂM 1975

Di tích lịch sử Chiến thắng tại Đèo M’Drắk - Phượng Hoàng năm 1975 được xây dựng tại chân núi Vọng Phu, thuộc Km95 – Quốc lộ 26, xã Cư Mta, huyện M’Drắk, nơi từng diễn ra trận tiến công giải phóng quận lỵ Khánh Dương và trận tiêu diệt Lữ đoàn dù 3 ngụy trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, trải dài từ thị trấn M’Drắk đến chân đèo Phượng Hoàng phía Dục Mỹ; cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 95km về hướng Đông.

Huyện M’Drắk là địa bàn có vị trí thuận lợi, cửa ngõ phía Đông của tỉnh Đắk Lắk nối liền giữa hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa và các tỉnh duyên hải miền Trung, với các núi cao như: Cư H’Mú, khoảng hơn 2.000m là điểm tựa phía Đông; dãy Cư Jŭ cao hơn 1.000m nối với Cư Prao nằm giữa huyện tạo nên thế liên hoàn đã trở thành vùng căn cứ địa vững chắc của huyện trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như chống đế quốc Mỹ. Trước năm 1970, Nhân dân huyện M’Drắk sống trong vùng Mỹ - Ngụy kiểm soát, còn gọi là quận Khánh Dương.


Được sự chuẩn y của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, ngày 20/9/1972, tại chân núi Chư Mon Ray, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định thành lập Sư đoàn 10. Đồng chí Nguyễn Mạnh Quân giữ chức Tư lệnh Sư đoàn, đồng chí Đặng Vũ Hiệp giữ chức Chính ủy; đồng chí Hồ Đệ giữ chức Tư lệnh phó Sư đoàn; đồng chí Lã Ngọc Châu giữ chức Phó chính ủy. Cơ quan Sư đoàn được tổ chức có các phòng: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần.


Sự ra đời của Sư đoàn 10 đánh dấu bước trưởng thành mới của khối chủ lực Tây Nguyên, vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách của chiến trường trong giai đoạn mới của cuộc chiến đấu, vừa thể hiện sâu sắc quy luật phát triển của lực lượng vũ trang cách mạng. Tuy Sư đoàn 10 mới được thành lập nhưng các Trung đoàn trong Sư đoàn đều là những đơn vị có truyền thống chiến đấu vẻ vang, đã trải qua nhiều năm gắn bó với địa bàn Tây Nguyên chiến lược.


Trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975, tại mặt trận Đắk Lắk, Sư đoàn 10 đã tham gia nhiều trận đánh quan trọng: 


Ngày 09/3/1975, Sư đoàn 10 nổ súng tấn công Đức Lập. Ngày 10/3/1975, cùng các đơn vị phối hợp tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột mở màn Chiến dịch mùa Xuân năm 1975. Ngày 18/3/1975, Sư đoàn 10 tấn công Chư Cúc, tiêu diệt Sư đoàn 23 Ngụy.


Với trận thắng oanh liệt Chư Cúc, Sư đoàn 10 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên giao, đập tan cuộc phản kích tái chiếm Buôn Ma Thuột, xóa sổ Sư đoàn 23 ngụy, thực hiện thắng lợi trận then chốt thứ hai của chiến dịch, góp phần quan trọng thúc đẩy chiến dịch phát triển.


Sau khi Phước An, Chư Cúc thất thủ, địch đã quyết định lập tuyến phòng thủ mới ở Khánh Dương, với mục đích phối hợp với lực lượng Lữ dù 3 ở đèo M'Dắk, chặn cuộc tiến công của ta xuống đồng bằng ven biển miền Trung và Nha Trang.


Quận Khánh Dương là một quận lỵ nhỏ, nối liền vùng Cao nguyên Buôn Ma Thuột với vùng duyên hải tỉnh Khánh Hòa. Nằm ở phía Đông dãy núi Trường Sơn, gắn liền với đèo M’Drắk - Phượng Hoàng, trên bình độ 500m so mặt nước biển. Phía Tây là một triền núi thấp độ cao 600m - 700m, gắn liền với dãy núi Chư Tô cao 820m, chạy dài 941m. Quận lỵ Khánh Dương nằm giữa khu vực đất tương đối bằng phẳng, nhiều đồi cao, nhiều lau lách xen lẫn các vườn cây và nương rẫy của đồng bào dân tộc. Phía Bắc là Đường 21 (nay là Quốc lộ 26) với một cánh đồng trống trải khoảng 8km, rồi đến dãy núi Trường Sơn, có rừng cây rậm rạp. Đây chính là nơi Trung đoàn 25 tập kết. 


Để đập tan âm mưu của Mỹ - ngụy, ngày 22/3/1975, Sư đoàn 10 tham gia đánh chiếm quận lỵ Khánh Dương, quét sạch địch co cụm tại đây, tiêu diệt hoàn toàn 02 Tiểu đoàn Bảo an và Trung đoàn 40 Ngụy. 


Với âm mưu tái chiếm Buôn Ma Thuột và chặn đại quân của ta tràn xuống đồng bằng ven biển miền Trung. Địch đã đưa Lữ đoàn dù 3 lên phòng thủ ở khu vực đèo Phượng Hoàng - M’Drắk. Đèo Phượng Hoàng có chiều dài khoảng 10km, nằm trên Quốc lộ 26, giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Đây là một trong những ngọn đèo hùng vĩ, đường đèo quanh co, uốn lượn, có độ dốc cao, hai bên sườn đèo là núi đồi trùng điệp, vách đá cheo leo, hiểm trở. Về mặt quân sự, Đèo Phượng Hoàng là địa điểm lý tưởng cho việc phòng thủ vì chỉ có một con đường độc đạo đi qua, hai bên đường là rừng núi hiểm trở, bên dưới là vực sâu. Địch bố trí các chốt bảo an, trận địa pháo ở các eo núi để ta khó phát hiện và đào thêm công sự, đào hầm giấu xe thiết giáp ở các vị trí hiểm yếu bên các vách núi ven đường. Các Đại đội trong Tiểu đoàn dù được bố trí theo chiến thuật “mạng nhện”, vừa phòng thủ tốt, vừa sẵn sàng cơ động hỗ trợ khi bị tấn công.


Chỉ sau hơn 3 ngày đêm liên tục chiến đấu (từ ngày 29/3 đến sáng ngày 01/4/1975), Sư đoàn 10 và các đơn vị phối hợp đã đập tan tuyến phòng thủ của địch ở đèo Phượng Hoàng - M'Drắk, phá tan âm mưu ngăn chặn lực lượng của ta tiến xuống Khánh Hoà, Nha Trang và tái chiếm Buôn Ma Thuột của Lữ đoàn dù 3. Tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn Lữ đoàn dù 3 của địch, cùng một tiểu đoàn biệt động quân, bắt hơn 400 tên, bắn cháy 4 xe bọc thép M113. Thu 23 pháo 105 ly, 155 ly và 1 pháo 175 ly, 84 xe quân sự cùng nhiều vũ khí, súng đạn khác.


Ta chiếm lĩnh đèo Phượng Hoàng, phá tan âm mưu của địch ngăn chặn lực lượng của ta tiến xuống Khánh Hòa, Nha Trang và tái chiếm Buôn Ma Thuột, lá chắn phía Tây Ninh Hòa bị đập tan, mở toang cánh cửa phía Đông tiến công xuống đồng bằng, giải phóng thành phố Nha Trang và Quân cảng Cam Ranh kết thúc thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên. 


Tin Lữ đoàn dù 3, một lực lượng sừng sỏ mạnh nhất của quân ngụy Sài Gòn thất trận trên đèo Phượng Hoàng - M'Drắk đã làm cho Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy vô cùng thất vọng, đồng thời làm cho toàn bộ quân địch án ngữ suốt từ Lam Sơn, Dục Mỹ, Ninh Hòa tới Nha Trang hoảng loạn, không còn sức chiến đấu, chỉ lo tìm đường chạy, tạo thuận lợi cho Sư đoàn 10 nhanh chóng tiến xuống đồng bằng ven biển miền Trung, giải phóng Nha trang và Quân cảng Cam Ranh.


Trong chiến dịch Tây Nguyên, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 10 và các đơn vị phối hợp đã chiến đấu kiên cường, quả cảm, nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh hiệp đồng, linh hoạt trong cách đánh, kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Chiến dịch giao cho. Chiến công của Sư đoàn 10 đã góp phần rất xứng đáng vào chiến thắng Tây Nguyên, góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh trong một thời gian ngắn.


Trải qua 48 năm sau ngày giải phóng, địa điểm diễn ra trận tiến công giải phóng quận lỵ Khánh Dương và trận tiêu diệt Lữ đoàn dù 3 ngụy đã có nhiều đổi thay, chúng ta không còn thấy dấu tích của những đồn bốt, công sự hay giao thông hào. Không còn là vùng rừng núi với những ngổn ngang của hậu quả chiến tranh để lại, thay vào đó cảnh quan hoàn toàn đổi khác, từ vùng đất bị bom đạn cày xới, đã vươn lên sức sống kỳ diệu với những con đường trải nhựa dài thẳng tắp, những ngôi nhà mới khang trang mọc lên giữa màu xanh bạt ngàn nương ngô và rừng trồng gỗ của người dân. Điều đó cho thấy, sự sống đã thật sự hồi sinh, nảy mầm, xanh tươi, hứa hẹn một vùng đất trù phú để phát triển kinh tế xã hội.

Ngày 05/10/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 1964/QĐ-UBND xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với “Di tích lịch sử Chiến thắng tại Đèo M’Drắk – Phượng Hoàng năm 1975” (xã Cư Mta, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk).


Di tích lịch sử Chiến thắng tại Đèo M’Drắk - Phượng Hoàng năm 1975, là địa chỉ đỏ về nguồn, nơi giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ của địa phương nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Đặc biệt, nơi đây lưu giữ những ký ức hào hùng về một thời chiến đấu oanh liệt của các chiến sĩ Sư đoàn 10, Trung đoàn 25, Trung đoàn 273; Trung đoàn 40.... Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trong các cuộc chiến đấu, mồ hôi và máu của các anh đã hòa vào với đất đỏ bazan, ghi khắc mãi chiến công anh dũng, kiên trung trong trận chiến đấu đánh bại các cuộc phản kích lấn chiếm của địch.


Đây cũng là nơi tri ân những chiến công anh dũng, những hy sinh mất mát; nơi chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, bên cạnh những giá trị lịch sử là những giá trị về văn hóa, tâm linh. Mỗi chúng ta khi đến với Di tích, thành kính dâng nén hương thơm tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.


Ngoài giá trị lịch sử tiêu biểu về nguồn sử liệu quý giá để chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu và rút ra những bài học kinh nghiệm trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc, Di tích lịch sử Chiến thắng tại Đèo M’Drắk - Phượng Hoàng năm 1975 còn là công trình kiến trúc với bố cục cân xứng, hình ảnh gần gũi mà trang nghiêm trong một khuôn viên độc lập; chất chứa một tinh thần đặc biệt về lòng tri ân của dân tộc đối với các liệt sĩ.


Tài liệu tham khảo Quân đoàn 3 - Sư đoàn 10, Lịch sử Sư đoàn 10 (1972-2022), Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2022.

















Hà Phương