DI TÍCH DANH LAM THẮNG CẢNH THÁC DRAI KMANG M’NŬ (THÁC LỒ Ô)

Di tích danh lam thắng cảnh thác Drai Kmang M’nŭ (thác Lồ Ô) thuộc địa phận xã Ea Lai, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 100 km về phía Đông.

Theo cách gọi của người Êđê ở buôn Cư Prao, xã Ea Lai, huyện M’Đrắk và các buôn lân cận: Drai có nghĩa là thác, Kmang M’nŭ có nghĩa là mào gà, Drai Kmang M’nŭ có nghĩa là Thác mào gà.

Truyền thuyết kể lại rằng: Trước đây, khu vực gần thác xuất hiện một con gà thần mào đỏ về sinh sống và làm ổ. Người dân trong buôn truyền tai nhau rằng đây là gà thần bởi trong buôn những người dân đi rừng, làm rẫy ngang qua nếu không biết mà lấy trứng từ tổ gà thì bỗng nhiên trời nổi giông bão, mây đen xám xịt, khói bụi mịt mù làm tối cả một vùng khiến cho người lấy trứng gà không xác định được phương hướng mà về buôn, nặng hơn thì bị ốm đau, bệnh tật. Từ đó về sau, người dân cho rằng gà được Yang (Thần linh) hiển linh để bảo vệ dòng suối, ngọn thác, bảo vệ khu rừng xung quanh, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho buôn làng, mọi người nhắc nhở nhau luôn làm việc tốt, việc thiện để được gà thần che chở bảo vệ, tránh tham lam để không bị gà thần trừng trị. Vì vậy, người dân trong buôn đã đặt tên cho thác là Drai Kmang M’nŭ.  

Sau năm 1975, người dân từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung vào vùng đất huyện M’Đrắk làm ăn, sinh sống. Khi đi khai hoang làm rẫy qua đây, họ nhìn thấy một ngọn thác đẹp, hùng vĩ, hai bên bờ có rất nhiều cây lồ ô mọc thành cả rừng dài, nên đặt tên là thác Lồ Ô, đây cũng là tên gọi được nhiều người biết đến.



Toàn cảnh danh lam thắng cảnh Thác Drai Kmang M’nŭ (thác Lồ Ô) nhìn từ xa

Bắt đầu chuyến hành trình, nếu xuất phát từ thành phố Buôn Ma Thuột, du khách đi theo quốc lộ 26 đến thị trấn M’Đrắk, rẽ vào hướng Bắc theo quốc lộ 19C, đi khoảng 5km gặp ngã ba giao nhau với đường Đông Trường Sơn, tiếp tục đi thẳng theo cung đường này 15km nữa sẽ đến thác Drai Kmang M’nŭ (Lồ Ô).   

Từ trên cầu Ea H’Mlay (xã Ea Lai, huyện M’Đrắk), du khách đi men theo khu rẫy của người dân, rồi đi theo hướng Tây Bắc chừng 1 km sẽ đến dòng suối phía hạ nguồn của thác. Càng lên phía đầu nguồn thác Drai Kmang M’nŭ, du khách sẽ thấy những nền đá bằng phẳng trải dài, dòng nước hiền hòa len lỏi qua những khe đá tựa như dải lụa trắng vắt ngang giữa cánh rừng. Nếu lội dưới dòng nước ấy, sẽ có cảm giác mát lạnh như đi trên một dòng pha lê tráng lệ. Khi đến nơi thác đổ, với cảnh trời mây, non nước, sắc tím của hoa, sắc xanh của lá, sắc trắng của những bọt nước tung bay…, tất cả hòa lẫn với nhau tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình sẽ làm đắm say du khách đến tham quan. Ở bên bờ phía Bắc của thác có những bãi đá bằng phẳng, là nơi lý tưởng cho du khách nghỉ chân, chụp ảnh hay tổ chức dã ngoại và ngắm nhìn ngọn thác chảy xiết, tung bọt trắng xóa. Bờ phía Nam của thác là những vách đá dựng đứng, tầng tầng, lớp lớp xếp lên nhau với độ cao lên đến vài chục mét. Dòng thác cứ miệt mài trút xuống phía dưới, trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm đã hình thành một hồ nước rộng phía dưới chân thác. Nước trong hồ xanh ngát, mát lạnh, đây cũng là nơi lý tưởng để du khách ngâm mình, bơi lội hay chèo thuyền thư giãn.



Cầu Ea H’Mlay trên đường Đông Trường Sơn bắc ngang qua thượng nguồn

Di tích danh lam thắng cảnh Thác Drai Kmang M’nŭ (thác Lồ Ô)


Với vẻ đẹp vừa nên thơ vừa hùng vĩ cùng bầu không khí trong lành khoáng đạt, nơi đây đã trở thành địa chỉ tham quan, thưởng ngoạn, trải nghiệm ưa thích đối với du khách địa phương và các vùng lân cận vào những dịp cuối tuần hay các ngày lễ, Tết. Ngoài ra, dòng suối Ea H’Mlai gần khu vực thác đã một thời là trạm dừng chân trong tuyến đường tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho cách mạng, nơi bảo vệ, lưu thông tuyến hành lang phía Đông để đưa cán bộ, chiến sỹ hành quân vào Nam tham gia chiến đấu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với những giá trị nổi bật đó, ngày 23/11/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 3278/QĐ-UBND xếp hạng thác Drai Kmang M’nŭ (thác Lồ Ô) là Di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Di tích có diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ là 30 ha, trong đó: Khu vực bảo vệ I: 5,67 ha; khu vực bảo vệ II: 24,33 ha.                      



Cảnh chính diện danh lam thắng cảnh Thác Drai Kmang M’nŭ (thác Lồ Ô)



Di tích danh lam thắng cảnh Thác Drai Kmang M’nŭ (thác Lồ Ô) nhìn từ bờ Bắc


Ngày nay, với vị trí nằm ngay cạnh tuyến đường Đông Trường Sơn và gần quốc lộ 19C nối liền tỉnh Phú Yên và tỉnh Đắk Lắk, Di tích danh lam thắng cảnh thác Drai Kmang M’nŭ (thác Lồ Ô) có rất nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác phát triển du lịch.

Hà Phương