DI TÍCH CẤP TỈNH DANH LAM THẮNG CẢNH THÁC LIÊNG PUH PÊT (THÁC BA TẦNG)

Di tích danh lam thắng cảnh thác Liêng Puh Pêt (còn được gọi là thác Ba Tầng), thuộc địa phận hành chính xã Krông Nô, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk; cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 120km về hướng Đông Nam.

Theo tiếng M’nông: Liêng có nghĩa là thác có tảng đá lớn, Puh nghĩa là con trâu, Pêt có nghĩa là nặn, khắc. Như vậy, thác Liêng Puh Pêt có nghĩa thác có tảng đá lớn khắc (nặn) thành hình con trâu.


Thác nằm ở độ cao từ 776m đến 861m so với mặt nước biển, được bắt nguồn từ những mạch nước ngầm chảy ra từ những khe đá trên đỉnh núi và hợp lưu tạo thành dòng thác, gồm có ba tầng và trải dài gần 2km.


Tầng thứ nhất có độ cao 776m, rộng khoảng 6m, cao 3m và trải dài khoảng100m, thác chảy êm đềm, hiền hòa, nước uốn lượn qua những tảng đá, nghe xa xa như những tiếng cười khúc khích của những cô gái đang vui đùa bên dòng suối.


Tầng thứ hai có độ cao 803m, có chiều rộng khoảng 4m, cao 3m; nước tuôn chảy không ngừng, đổ xuống qua nhiều bậc đá khác nhau, tạo thành bụi nước trắng xóa bay ngang lưng chừng núi.


Tầng thứ ba - tầng cao nhất và là thượng nguồn của Liêng Puh Pêt (thác Ba Tầng), có độ cao 861m và được chia làm 2 bậc. Điểm đặc biệt nhất là tại tầng này có tảng đá lớn, có hình thù giống như một con trâu với thân hình to lớn, màu da đen bóng, đôi sừng to, chắc khỏe. Theo truyền thuyết của đồng bào M’nông Gar, đây chính là địa điểm mà khi xưa dân làng chọn làm nơi đặt lễ vật sáp ong nặn hình con trâu và nhiều vật tế khác như gà trống sống, rượu cần để tổ chức Lễ cúng cầu mưa. Sau khi nghi thức tế thần linh kết thúc, sáp ong đã tan ra, hòa quyện vào tảng đá và biến đổi thành hình dáng giống như con trâu lớn. Về sau, dân làng buôn Yông Hắt luôn truyền tai nhau về tảng đá chứa đựng “hồn trâu” linh thiêng, có thể giúp mọi người gửi những lời khấn cầu đến với thần linh và mãi ngự trị trên tầng cao nhất của dòng thác Liêng Puh Pêt để phù hộ cho dân làng ấm no, nguồn nước dồi dào, không bao giờ khô cạn.





Đến tham quan di tích, các bạn sẽ được trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau: Cảm giác hồi hộp khi băng qua những tảng đá đủ loại hình thù, to nhỏ; thích thú khi ngắm nhìn những thân cây cổ thụ to đến vài người ôm không xuể hay bước đi trên núi dưới những vòm cây xanh, thỉnh thoảng điểm vài cây hoa Bằng Lăng tím, những nhánh lan rừng đủ màu, khoe sắc giữa cánh rừng bạt ngàn hương thơm. Du khách sẽ cảm thấy lòng khoan khoái nhẹ nhàng, muốn hít thở mãi không khí trong lành của thiên nhiên nơi đây.


Đặc biệt, thác Liêng Puh Pêt (thác Ba Tầng) nằm ẩn mình giữa những tán cây cổ thụ, những thảm thực vật nguyên sinh, những tảng đá lớn trên đỉnh núi Yốk Rjǐ của rừng phòng hộ đầu nguồn Lắk. Với vị trí giữa khoảnh 5 và khoảnh 6 của tiểu khu 1426 do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm Nghiệp Lắk quản lý nên hệ sinh thái phong phú và đa dạng. Hệ sinh thái rừng của tiểu khu 1426, nơi có dòng thác thác Liêng Puh Pêt với kiểu rừng thưa cây lá kim hơi khô á nhiệt đới núi thấp, đã quy tụ nhiều nhóm cây gỗ như: Thông ba lá, Chẹo răng cưa, Dâu rượu, Hồng quang, Thẩu tấu, Sơn tram, Vối thuốc...đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và điều tiết nguồn nước dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu và có giá trị liên quan đến các dịch vụ môi trường rừng, có vai trò trong việc điều hòa khí hậu, dòng chảy, hấp dẫn cho du lịch sinh thái.


Sau khi tham quan thác xong, du khách có thể ghé thăm Di tích lịch sử Hang đá Ba tầng, cách chân núi Yốk Rjǐ 500m về hướng Tây. Nơi đây là điểm trú ẩn của đồng bào M’nông ở 3 buôn: buôn Liêng Krăk, buôn Yông Hắt và buôn Dôt Rpưl khi bị địch càn quét ném bom, đánh phá. Tại địa điểm Hang đá Ba tầng, nơi ghi dấu trận chiến đấu quyết liệt giữa một tiểu đội du kích A1 - H10 và đồng bào trú ẩn trong hang đá với một đại đội Mỹ - Nguỵ trong “chiến dịch An Lạc” khi địch càn quét và đánh phá vùng căn cứ B5, Khu 6 từ cuối năm 1962 đến năm 1963. Tuy chỉ có lực lượng ít ỏi, nhưng các đồng chí du kích đã chiến đấu rất dũng cảm, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn về số lượng, về trang bị vũ khí, không run sợ trước mưa bom, bão đạn, kiên cường chiến đấu chống lại quân thù, bảo vệ an toàn cho từng người dân M’nông ở vùng căn cứ địa cách mạng. Đây là một trận chiến đấu quan trọng góp phần cùng quân dân vùng căn cứ của Khu 6, B5 và của huyện Lắk đánh tan cuộc hành quân “An Lạc” (một cuộc hành quân lớn nhất và dài ngày nhất của quân địch đánh vào vùng căn cứ) nhằm giữ đất, giành dân, chống địch lấn chiếm.

Với câu chuyện truyền thuyết xung quanh thác Liêng Puh Pêt, nghi Lễ cúng bến nước, Lễ cúng lúa mới với mục đích tạo sự gặp gỡ, giao lưu, trao đổi thông tin và thể hiện tâm linh của con người với các thần linh; cùng với phong tục lễ hội của đồng bào M’nông Gar tại buôn Trang Yôk, buôn Yông Hắt, xã Krông Nô đã tô thêm giá trị văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số cư trú nơi đây. Thác Liêng Puh Pêt còn nằm gần Di tích lịch sử Hang đá Ba tầng (đã được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 454/QĐ-UBND ngày 06/03/2020). Do đó, đây là di tích có tiềm năng để quy hoạch phát triển du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa, lịch sử.


Ngày 22/11/2021, Di tích danh lam thắng cảnh thác Liêng Puh Pêt (thác Ba Tầng) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 3247/QĐ-UBND.


Với mục tiêu xây dựng và phát triển huyện Lắk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh vào năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 “về tập trung huy động các nguồn lực, nhằm xây dựng và phát triển huyện Lắk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh vào năm 2030và Đề án phát triển du lịch của Ủy ban nhân dân huyện Lắk giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn 2025; thác Liêng Puh Pêt (thác Ba Tầng) là một trong những điểm quy hoạch của huyện và đang tập trung kêu gọi các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn các nguồn tài nguyên du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù; bảo vệ môi trường và xây dựng thương hiệu cho du lịch huyện Lắk.



Hà Phương