SƯU TẬP CỒNG CHIÊNG

Bảo tàng Đắk Lắk hiện lưu giữ 13 bộ chiêng của các dân tộc Êđê, Mnông và Gia rai, với tổng số 134 đơn vị hiện vật.

Nói đến âm nhạc Tây Nguyên, không thể không nhắc tới kho tàng nhạc khí hết sức phong phú thuộc nhiều loại, nhóm và chất liệu khác nhau. Trong kho nhạc khí này, cồng chiêng có một vị trí đặc biệt, là di sản văn hóa quý báu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.


Cồng chiêng được coi là vật thiêng, có giá trị của mỗi gia đình, dòng họ và mỗi thành viên trong cộng đồng. Cồng chiêng từ bao đời đã gắn bó mật thiết với đời sống cộng đồng, với các nghi lễ, lễ hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hằng ngày của họ. Hầu như nhà nào trong buôn cũng có 1-2 bộ chiêng, những gia đình khá giả có tới hàng chục bộ chiêng. Tuy nhiên, người Êđê cũng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên không tự đúc cồng chiêng, mà cồng chiêng được mua hoặc trao đổi từ nơi khác và được chỉnh sửa bởi những đôi tay khéo léo kết hợp với tài thẩm âm của các nghệ nhân để trở thành một loại nhạc cụ mang nét đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên. Cồng chiêng được làm bằng hợp kim đồng, có thể được đánh bằng tay hoặc dùi. Khi trình diễn, mỗi chiếc chiêng giữ nhiệm vụ một nốt nhạc trong giàn nhạc để thể hiện các bản nhạc chiêng khác nhau.


Theo quan niệm của các già làng: “Cồng chiêng có thể giúp con người thông tin trực tiếp với thần linh, với các giàng. Cồng chiêng không được sử dụng một cách bừa bãi mà chỉ được sử dụng trong các lễ hội của buôn làng”. Nó thể hiện bản sắc và sức sống của các dân tộc bản địa trên núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Chính vì thế, việc bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa trong âm nhạc cồng chiêng của các dân tộc bản địa Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung rất cần được Đảng, Nhà nước ta quan tâm đúng mức, coi đây là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền Văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, ngày 25/11/2005 Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại” và năm 2008 Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã ghi danh “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Đây là niềm vinh dự và tự hào của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.


Một số sưu tập cồng chiêng của ba dân tộc tại chỗ:

Bộ chiêng Jhô của người Êđê Bih (của bà H’Năng Emǒl, dân tộc Êđê Bih, ở buôn Choá, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Bảo tàng Đắk Lắk sưu tầm ngày 04/12/1998).

Bộ chiêng Jhô của người Êđê Bih


Gồm 6 chiếc chiêng núm, có kích thước từ lớn đến nhỏ theo một thang âm cổ truyền của dân tộc Êđê Bih. Hai chiêng theo thứ tự từ lớn đến nhỏ có cùng một tên gọi: Chiêng 1 và chiêng 4 gọi là Ama (cha); chiêng 2 và chiêng 5 gọi là Amí (mẹ); chiêng 3 và chiêng 6 gọi là Dei hoặc Anăk (con). Khi diễn tấu, lối xếp đội hình của chiêng Jhô theo kiểu hai chiêng cùng tên đứng cạnh nhau theo thứ tự Ama, Amí, Dei. Đặc biệt, với chiêng Jhô chỉ có phụ nữ sử dụng, đây là bắt buộc với sinh hoạt cộng đồng buôn làng.


Bộ chiêng Arap của người Gia rai (của ông Siu Klớp, dân tộc Gia rai ở buôn Ea Suŏp, thị trấn Ea Suǒp, huyện Ea Suŏp, tỉnh Đắk Lắk. Bảo tàng Đắk Lắk sưu tầm ngày 26/3/2003).


Bộ chiêng Arap của người Gia rai


Bộ chiêng gồm 23 chiếc, trong đó 8 chiếc có núm và 15 chiếc chiêng bằng, được đúc từ đồng thau. Khi sử dụng, dàn chiêng được treo trên một cây tre dài, hai người khiêng, những người còn lại bước tới rồi lùi lại dùng dùi đánh, mỗi người đảm nhiệm nhiều chiếc chiêng khi tấu.


Bộ chiêng bằng của người Mnông (của Bà H’Nga, người dân tộc Mnông, ở buôn Čuôr, xã Yang Tao, huyện Lắk. Bảo tàng Đắk Lắk sưu tầm ngày 13/9/1996)


Bộ chiêng bằng của người Mnông


Bộ chiêng gồm 6 chiếc, gọi theo tiếng Mnông thứ tự như sau: Te, Xô, Tu, Nđat, Nrâm, Me. Được làm từ hợp kim đồng, đúc thủ công.

BTDL