SƯU TẬP TRỐNG ĐỒNG

Gồm 14 trống đồng và một số hiện vật kèm theo, tổng số 39 đơn vị hiện vật. Các trống đồng trong sưu tập đều được phát hiện ngẫu nhiên do người dân canh tác cây cà phê hoặc các hình thức sản xuất khác.

Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các trống đồng ở tình trạng không còn nguyên vẹn. Chỉ còn mặt trống hoặc một phần mặt trống, phần thân thường bị bể nát do không được khai quật đúng phương pháp. Trong tổng số 13/14 chiếc phát hiện trong lòng đất đều được sử dụng như một chiếc quan tài để chôn cất hoặc cải táng cho người chết, 4 chiếc có các vật trang sức kèm theo. Các trống đồng đều bị phủ một lớp patine. Bước đầu có thể xác lập vùng phân bố tập trung của trống đồng trên địa bàn của tỉnh Đắk Lắk theo trục Đông sang Tây, bắt đầu từ huyện M’drắk (01 trống) đến Ea Kar (04 trống), Krông Năng (06 trống), Krông Pač (02 trống) và Buôn Đôn (01 trống). Nhìn chung tất cả các trống đều thuộc trống loại 1 (theo phân loại của nhà nghiên cứu trống đồng người Đức – F.Heger). Có khung niên đại chung là 2500 - 2000 năm cách ngày nay, được xếp vào niên đại hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí thuộc thời kỳ tiền sử của Đắk Lắk.

Hình ảnh trống và đồ trang sức trong trống đồng, 2000-2500 năm:

Vòng đồng (Phú Xuân, Krông Năng) - Đk. 6 cm

Hạt mã não và hạt thủy tinh (Hòa An, Krông Pač) - Đk. 0,5 cm và 0,3 cm

Vòng đồng (Ea Pal, Ea Kar) - Đk. 7 cm

Hạt gốm (Hòa An, Krông Pač) - Đk. 0,4 cm

Trống đồng được phát hiện ở Đắk Lắk bên cạnh giá trị về cổ vật mang ý nghĩa Quốc bảo, còn mang nhiều giá trị nhân văn, văn hoá, lịch sử của khu vực Tây Nguyên nói chung và của Đắk Lắk nói riêng. Phục vụ việc nghiên cứu tìm hiểu về mối quan hệ giao lưu văn hoá của các cư dân cổ trên mảnh đất Tây Nguyên với cư dân Việt cổ - chủ nhân văn hoá Đông Sơn; Cũng như tìm hiểu về vị trí của trống đồng Đông Sơn ở Tây Nguyên, để thấy được vị trí của trống đồng Đông Sơn ở Tây Nguyên trong bối cảnh phân bố trống đồng ở Việt Nam; góp phần vào việc hoàn thiện bức tranh thời tiền sử ở Tây Nguyên và Đắk Lắk.

Có thể nói đây là sưu tập có giá trị và quý hiếm của Bảo tàng Đắk Lắk, một trong những Bảo tàng ở khu vực Tây Nguyên có nhiều trống đồng nhất, cho thấy sự giao lưu văn hóa từ rất sớm ở mảnh đất này.

Phòng Bảo quản